Để phù hợp với tình hình thực thực tế, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, trong công văn góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều luật Nhà ở 2014, HOREA kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sửa đổi điều 1, khoản 1 theo hướng cho phép các doanh nghiệp sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng.
Không chỉ ở TP.HCM, hiện nay ở nhiều thành phố lớn đã tồn tại loại hình cao ốc “căn hộ – văn phòng” (office-tel).
Dạng căn hộ này nghiêng về chức năng văn phòng, được cấp phép sử dụng 50 năm (không vĩnh viễn như căn hộ chung cư) và việc sinh sống tại đây cũng chỉ là tạm trú nhưng cũng giải quyết được nhu cầu bức thiết cho một bộ phận người dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM), trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu mở văn phòng ngay tại căn hộ mình sinh sống.
Một số địa phương khác cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tại các căn hộ chung cư và nên có cơ chế ủng hộ cho họ lập nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nhiều doanh nghiệp lớn có xuất phát điểm là những cơ sở nhỏ, nếu không mở ra hướng cho phép sử dụng căn hộ làm văn phòng là nghiệt ngã, những người trẻ khởi nghiệp sẽ không có cơ hội.
Tuy nhiên, theo ông Đực, chỉ nên cho phép các công ty hoạt động tại căn hộ chung cư với số lượng nhân viên hạn chế và không được giao dịch thương mại tại đây. Ông dẫn chứng, chung cư là nơi rất nhiều bộ phận dân cư chung sống, nếu một công ty hoạt động mua bán sẽ không đảm bảo về an ninh trật tự, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chức năng sử dụng của căn hộ cũng khác văn phòng.
Mỗi loại hình công trình đều có tiêu chuẩn thiết kế về hệ thống thang máy, cấp điện nước riêng, nếu sử dụng không đúng chức năng sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Theo Infonet