Công nhân khởi nghiệp bằng nghề nuôi bồ câu
Vì không thích suốt ngày quanh quẩn trong nhà máy khi làm công nhân, anh Quách Thành Nguyên (32 tuổi, ngụ KP.12, xã Long Đức, H.Long Thành, Đồng Nai) quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi bồ câu.
Quê ở Bạc Liêu, năm 2007 anh Nguyên theo bạn tới Đồng Nai làm công nhân cho một công ty thuộc KCN Nhơn Trạch. Sau đó, anh lập gia đình và sinh sống tại H.Long Thành. Trong một lần về quê ở Bạc Liêu, anh thấy người dân địa phương rộ lên phong trào nuôi bồ câu Pháp. Thích thú với vật nuôi mới nên anh mua 50 cặp bồ câu đem về Long Thành nuôi. Tiền lương công nhân của hai vợ chồng được anh dành dụm đầu tư chuồng trại, mua thuốc, thức ăn cho chim bồ câu.
Anh Nguyên kể, ban đầu bồ câu thương phẩm được anh chào bán ở các quán nhậu, chợ, nhà hàng với giá chỉ có 25.000 đồng/cặp nhưng tiêu thụ rất chậm, nhiều nơi còn từ chối không mua. Tuy nhiên không vì thế mà anh nản lòng, anh tiếp tục mang bồ câu đi chào hàng khắp nơi rồi ký gửi cho các quán nhậu, chủ của hàng bán gà, vịt ở các chợ. Dần dần sức tiêu thụ ở nhà hàng, quán nhậu tăng lên. Do giao hàng uy tín và kịp thời nên các nhà hàng, quán nhậu tin cậy đặt mua nhiều hơn.
Khi đàn bồ câu tăng lên gần 200 cặp, lúc này anh Nguyên quyết định nghỉ hẳn việc công nhân để tập trung vào chăn nuôi. Anh vay mượn tiền của anh em, bà con đầu tư xây dựng chuồng trại, tham quan, học hỏi thêm các mô hình, tài liệu dạy nuôi bồ câu. Quá trình nuôi, anh còn tăng cường phòng bệnh dịch, cho bồ câu uống các thuốc kháng sinh, vitamin… nên đàn bồ câu luôn khỏe mạnh và phát triển rất nhanh. Anh Nguyên chia sẻ: “Nuôi bồ câu lợi nhuận ban đầu không cao nhưng nuôi với số lượng nhiều thì thu nhập cũng khá”.
Để tận dụng thức ăn dư thừa của bồ câu, năm 2012, anh Nguyên nuôi thêm 30 con gà mái Đông Tảo sinh sản để bán giống. Cũng trong thời gian này, anh còn đầu tư nuôi thỏ bán thịt. Có thời điểm đàn thỏ trong trang trại của anh lên tới 700 con. Hiện, trang trại của anh có đàn bồ câu Pháp hơn 1.500 con. Mỗi tháng anh Nguyên cho xuất chuồng từ 500-700 cặp bồ câu thịt với giá 80.000 đồng/cặp. Lợi nhuận thu được từ bán bồ câu thương phẩm trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn sưu tập để nuôi và bán giống 6 loài gà cảnh như: gà chín cựa, gà lôi, gà tre, gà thái…và hơn 30 loại bồ câu cảnh nhập từ Trung Quốc, châu Âu như: ức xù, sư tử, thổi kèn, vảy cá, con cò… Mỗi cặp bồ câu này có giá dao động từ 1- 5 triệu đồng. Tổng thu nhập từ mô hình nuôi bồ câu của anh mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Nguyên tiết lộ: “Tôi dự tính sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng bồ câu, đồng thời mua sắm thêm máy móc để giết mổ và chế biến bồ câu đông lạnh đưa vào hệ thống siêu thị”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nguyên còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp con giống cho rất nhiều thanh niên và những hộ dân trong vùng muốn khởi nghiệp bằng nghề nuôi bồ câu.
Tháng 10.2014, Tổ hợp tác chăn nuôi bồ câu xã Long Ðức do anh làm tổ trưởng được thành lập. Tổ có 7 thành viên tham gia với tổng đàn bồ câu khoảng 4.000 con.
Ông Nguyễn Ðức Toàn, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Ðức nhận xét: “Mô hình nuôi bồ câu của anh Quách Thành Nguyên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh Nguyên còn tích cực hỗ trợ thanh niên địa phương về vốn, con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyên cũng đã được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2012 và là nông dân sản xuất giỏi của H.Long Thành”.
Bài, ảnh: Tiểu Thiên/ nguồn Thanh Niên Online
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra