Dòng vốn lớn, start-up Việt vẫn khó tiếp cận vốn ngoại nguyên nhân do đâu ?
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent khu vực Đông Nam Á đã đưa ra 4 nguyên nhân chủ yếu để trả lời câu hỏi này tại sự kiện có Chủ đề “Toàn cảnh Đông Nam Á và câu chuyện gọi vốn của Việt Nam” vừa kết thúc.
Theo ông Dung, nguyên nhân đầu tiên là về quy mô thị trường.
Hiện đã có các start-up Việt gọi được nguồn vốn đầu tư hàng chục triệu USD nhưng không công bố, nhưng đến con số hàng trăm triệu như các nước trong khu vực thì chưa có.
Theo quy luật tất yếu, nguồn vốn sẽ chảy từ thị trường lớn sang thị trường nhỏ. Thông thường, vốn sẽ chảy từ Mỹ sang đến Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ từng cấp dần sẽ tới Đông Nam Á.
Trong khu vực Đông Nam Á cũng vậy, cũng sẽ chảy dần từ thị trường có nguồn dân số lớn là Indonesia, tiếp theo sẽ đến các nước như Thái Lan, Việt Nam…
Thứ hai là về chính sách hỗ trợ.
Ông Dũng cho biết, Việt Nam vẫn đang hoàn thiện chính sách tốt cho việc gọi vốn, các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Singapore hiện có nhiều chính sách hỗ trợ gọi vốn tốt hơn, khiến cho tình hình gọi vốn của các start-up tại các nước đó tốt hơn.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn tiềm ẩn những rủi ro như thủ tục hành chính, vấn đề giải ngân còn rất lâu và chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn mới có thể đầu tư ở Việt Nam
Đơn cử, như một công ty giải ngân 50.000 USD hay 100 triệu USD thì thời gian là giống nhau, không có sự khác biệt. Thời gian giải ngân ở Việt Nam được xem là rất lâu, từ 8 tháng đến 1 năm trong khi đó ở Singapore chỉ là 1 tuần, Thái Lan là 1 tháng.
Bên cạnh đó, giấy phép con ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, một lĩnh vực, ngành nghề có thể nằm trong sự quản lý của nhiều bộ, ngành khiến cho nhà đầu tư cảm thấy “lo ngại”.
Theo ông Dũng, với các startup, đặc biệt startup công nghệ, thì chỉ cần khoảng 6 tháng là biết “sống hay chết” và phải luôn thay đổi liên tục, start-up nhỏ cần vốn mồi nhỏ đủ để sống và nếu không có tiền để vượt qua qua vòng đầu tư thứ nhất thì chắc chắn không có vòng gọi vốn với những con số đầu tư lên đến chục, trăm triệu USD.
Thứ ba, ngoài các vấn đề về môi trường, chính sách, quy mô thị trường thì các Founder của startup Việt có mức độ cọ xát quá ít so với các start-up ở nước ngoài. Các start-up Việt vẫn còn “đóng” thụ động trong việc tiếp cận nhà đầu tư, họ chưa dám gặp gỡ, cung cấp thông tin và thuyết phục nhà đầu tư lớn. Vì vậy, việc gọi vốn rất khó ngay cả các khoảng vốn nhỏ.
Thứ tư, theo ông Dũng là tình hình thoái vốn đầu tư ở Việt Nam.
“Nếu cho startup là sản phẩm,dù lâu hay chậm đến thời điểm các nhà đầu tư mua vào buộc sẽ phải bán ra, nếu bán được mới thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có lối thoát cho nhà đầu tư. Do đó, đó họ sẽ ưu tiên chọn những thị trường dễ thu hồi vốn hơn, có thể là Indonesia, Singapore, Thái Lan…”, ông Dũng cho hay.
Cùng bàn về vấn đề thoái vốn, một diễn giả khác của chương trình, ông Đỗ Hoài Nam, Nhà đồng sáng lập Up Co-working Space cho rằng: “Ngoài thoái vốn với bao nhiêu tiền thì nhà đầu tư quan tâm đến cả thoái vốn bằng cách nào. Bởi tại Việt Nam chưa có nhiều sự lựa chọn thoái vốn do hệ thống pháp lý cho hoạt động mua bán – sáp nhập chưa hoàn thiện”.
Ông Nam cũng chia sẻ, ngoài vấn đề thoái vốn, vấn đề pháp lý, thuế, phí… đối nhà đầu tư cũng chưa rõ ràng. Việc xác nhận đóng nhà đầu tư là cá nhân hay pháp nhân để đóng thuế cũng là một dấu hỏi lớn, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc các nhà đầu tư dè dặt với start-up Việt Nam nhiều khi không phải do chúng ta đánh thuế nhiều, mà môi trường của chúng ta đang trong quá trình tạo lập, nhà đầu tư không hiểu mình sẽ phải làm gì”, ông Đỗ Hoài Nam nói.
Theo Báo đầu tư.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra