Khởi nghiệp Việt Nam khó khăn với luật An ninh mạng
Nhiều người trẻ khởi nghiệp thành công do nắm bắt được những tiện ích của công cụ mạng xã hội hay những ứng dụng mới của ngành công nghệ- thông tin.
Tuy nhiên, Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 6 với những điều khoản bị cho sẽ hạn chế đối với người sử dụng.
Luật này tác động thế nào đến giới trẻ khởi nghiệp?
Khởi nghiệp công nghệ
Gần đây, các hoạt động của cộng đồng giới trẻ Việt Nam cho thấy sân chơi dành cho khởi nghiệp công nghệ sôi động lên rất nhiều. Hầu như đa số các khởi nghiệp sinh hay các công ty khi đưa ra ý tưởng để kêu gọi vốn đầu tư đa phần dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin được ứng dụng vào đời sống thông qua nhiều dịch vụ buôn bán trực tuyến tiện dụng, thanh toán nhanh chóng, giới thiệu sản phẩm đến với người dùng đạt hiệu quả cao hơn so với phương cách truyền thống. Do đó công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu mà các khởi nghiệp sinh sử dụng để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của mình.
Hiện nay, giới trẻ hay các công ty khởi nghiệp đều dùng Google và Facebook như là một phương tiện để quảng bá sản phẩm, buôn bán trao đổi và tìm kiếm khách hàng là chủ yếu, nguồn vốn ít nhưng thu về lợi nhuận cao.
Anh Phạm Anh Tuấn, giám đốc marketing của một công ty kinh doanh buôn bán trực tuyến tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi qua email lý do vì sao đa số các startup đều sử dụng mô hình này.
“Vì số vốn để khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin không đòi hỏi quá nhiều, từ vài nghìn hoặc vài trăm nghìn USD, thậm chí không mất đồng nào nhưng quan trọng nhất là vốn năng lực bản thân của người khởi nghiệp.”
Đồng quan điểm trên, chị Huyền Nguyễn đại diện một công ty chuyên về mạng xã hội tại Việt Nam cho biết hầu như hiện nay tất cả bạn trẻ đều sủ dụng Facebook và Google để chạy quảng cáo, chị cho rằng vì với mức giá nào cũng có thể quảng bá sản phẩm được và cũng có thể không tốn đồng nào. Chị cho biết:
“Ngày xưa các shop muốn quảng bá rất khó khăn vì shop rất là nhỏ muốn quảng cáo thì phải đăng báo quảng cáo, đặt banner, từ ngày Facebook ra thì bất cứ ai cũng có thể quảng cáo được, shop nhỏ cỡ nào cũng có thể tự quảng cáo được, bao nhiêu tiền cũng có thể quảng cáo được. Điều đó nó sẽ giúp thị trường phẳng hơn, các doanh nghiệp nhỏ có thể quảng bá sản phẩm và người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, chứ không chỉ lên trang web lớn mới thấy”
Luật an ninh mạng tác động đến khởi nghiệp
Anh Tân Nguyễn, đại diện một công ty về truyền thông mạng xã hội tại Sài Gòn, cho rằng những quy định đặt máy chủ trong luật an ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài không dám khởi nghiệp tại Việt Nam.
Điều này được cho là đi ngược lại với kêu gọi hỗ trợ phòng trào khởi nghiệp của chính phủ Việt Nam thường được đưa ra tại các diễn đàn doanh nghiệp. Những qui định mang tính hạn chế trong luật sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước vốn rất cần sự hợp tác cũng như học hỏi từ các đối tác nước ngoài.
Khoản 2 điều 26 Luật An ninh mạng qui định các công ty công nghệ phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, xác thực thông tin, lưu trữ dữ liệu và cung cấp thông tin người dùng tại Việt Nam khi có yêu cầu.
Một facebooker có tên Tạ Nguyễn chia sẻ trên trang cá nhân rằng, khởi nghiệp công nghệ đã khó nay càng khó, khi mà số lượng người dùng quyết định thành bại của doanh nghiệp. Vấn đề đặt máy chủ hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam có thể chấp nhận nhưng bắt Facebook và Google cung cấp thông tin người dùng thì điều đó họ sẽ không làm.
Đồng quan điểm này anh Tân Nguyễn chia sẻ thêm:
“Cái này Google với Facebook họ không chịu đâu, tại vì chính sách của họ là không cung cấp thông tin khách hàng cho một bên thứ ba. Nhưng cũng có trường hợp là họ điều đình với lại chính phủ một số nước, như Google đã điều đình với Trung Quốc không thôi họ sẽ bị ‘bắn’ ra khỏi nước đó. Nhưng cũng tùy trường hợp nếu thị trường đó lớn quá thì họ mới tính đến chuyện đó, còn ở Việt Nam thì thị trường cũng chưa tới mức hai hãng này phải xuống nước.”
Luật sư Trần Vũ Hải, chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng Luật An Ninh mạng chắc chắn phải được sửa đổi vì nếu không doanh nghiệp Việt sẽ lụi bại. Ông thông báo đến các doanh nghiệp đầu tư và khởi nghiệp rằng:
“Luật này sẽ gây chi phí rất lớn cho các bạn, nhiều rủi ro sẽ luôn rập rình. Các bạn sẽ là người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất, chứ không phải quyền tự do ngôn luận của các công dân mạng.”
Chị Huyền Nguyễn đưa ra nhận định là khi luật bắt đầu có hiệu lực thì các công ty như chị làm về quản trị mạng xã hội và quản lý khách hàng chịu ảnh hưởng đầu tiên đó là các loại chi phí thuế sẽ tăng, thứ hai nếu Google và Facebook rời Việt Nam thì các công ty như chị sẽ thất nghiệp và chắc chắn kinh tế sẽ giảm xuống nặng nề khi mà có rất nhiều các cửa hàng và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến sử dụng trên nền tảng này để truyền thông sản phẩm.
Anh Tân Nguyễn thì lại có ý kiến khác cho rằng khi mất kênh này thì người ta sẽ đi tìm phương thế khác:
“Giới trẻ bây giờ nó nhanh lắm, họ tiếp cận công nghệ nhanh lắm nên nếu mất kênh này thì họ cũng sẽ tìm kênh khác. Ví dụ như giờ mất Facebook với Google thì có những kênh khác bán như kiểu Zalo. Nói chung là đã xây dựng một trang mạng xã hội lớn mạnh rồi mà bây giờ mất đi thì nó thật sự là một tổn thất lớn, coi như mất trắng toàn bộ đầu tư.”
Những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà chúng tôi hỏi ý kiến đều thừa nhận Luật An Ninh mạng nhằm kiểm soát về mặt an ninh nhưng chắc chắn sẽ gây ra tác hại về kinh tế.
Theo rfa.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra