Paradise Papers quả bom mới phát nổ của giới nhà giàu
Sau vụ rò rỉ hồ sơ trốn thuế dưới tên gọi Panama Papers hồi tháng 5 năm ngoái, đầu tháng 11 vừa qua, thế giới tiếp tục chứng kiến “quả bom mới phát nổ” với tên gọi Paradise Papers.
Đây là tập hợp 13,4 triệu tài liệu bí mật liên quan đến các khoản đầu tư, cất giấu tài sản ở nước ngoài của giới nhà giàu và chính khách nhiều nước trên tờ báo Sddeutsche Zeitung của Đức.
Các tài liệu này đã mô tả chi tiết cách thức mà không ít người giàu nhất thế giới và chính khách đã né thuế. Các tập tin, một số trong đó có từ những năm 1950, bao gồm thỏa thuận kinh doanh, các bản sao kê ngân hàng, email.
Sau khi thông tin trên được tiết lộ, Hiệp hội Các nhà báo điều tra Quốc tế đã tiếp tục điều tra và công bố dần các tài liệu, cho thấy hàng loạt tên tuổi lớn đã dính vào vụ rò rỉ dữ liệu lớn thứ hai trong lịch sử này, với 1,4 terabytes thông tin, chỉ sau vụ Panama Papers vào năm ngoái là 2,6 terabytes thông tin và lớn hơn nhiều các vụ rò rỉ trong quá khứ như vụ Offshore Leaks vào năm 2013 với 260 gigabyte thông tin, vụ Luxembourg Leaks vào năm 2014 với 4,4 gigabytes, vụ Swiss Leaks vào năm 2015 với 3,3 gigabytes và vụ wikileaks vào năm 2010 với 1,7 gigabyte thông tin.
Các tài liệu này bắt nguồn từ công ty luật Appleby được thành lập vào năm 1898 tại Bermuda và hiện đặt trụ sở tại quần đảo Cayman và Bermuda cùng 2 công ty luật khác là Estera và Asiaciti Trustm với 120.000 khách hàng, bao gồm cá nhân và các công ty tại 19 “thiên đường thuế”. Vào tháng trước, Appleby đã thừa nhận một số dữ liệu của Công ty bị đánh cắp trong một cuộc tấn công mạng năm ngoái.
Thống kê đến giờ này cho thấy các hồ sơ bị phát hiện liên quan đến 6 khu vực ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Mỹ với 30 quốc gia. Vụ rò rỉ này cũng đã tiết lộ những tài sản và các hoạt động ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia và các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Nữ hoàng Elizabeth II và 13 cố vấn, các thành viên của chính phủ Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump, như Bộ trưởng Thương mại Mỹ Rex Tillerson, cố vấn Thủ tướng Canada Justin Trudeau là Wilbur Ross.
Trong trường hợp của Nữ hoàng Anh, các tài liệu tiết lộ rằng khoảng 10 triệu bảng tiền cá nhân của bà đã được đặt vào quỹ tài trợ tại quần đảo Cayman và Bermuda. Mặc dù không dấu hiệu nào cho thấy điều này là bất hợp pháp hoặc trốn thuế nhưng vụ việc để lại hậu quả xấu.
Tại Hoa Kỳ, tài liệu rò rỉ cho thấy mối liên kết thương mại gần gũi đã được thể hiện giữa bộ trưởng thương mại nước này và những mối quan hệ xung quanh Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong Hồ sơ Paradise còn có một loạt nhà lãnh đạo như Petro Poroshenko – Tổng thống Ukraine, Juan Manuel Santos – Tổng thống Colombia, Ellen Johnson Sirlear – Tổng thống Liberia. Ở vai trò lãnh đạo cấp chính phủ, có các tên tuổi như Shaukat Aziz – cựu Thủ tướng Pakistan, Jean Chretien – cựu Thủ tướng Canada, Alfred Gusenbauer – cựu Thủ tướng Áo, Yukio Hatayoma – cựu Thủ tướng Nhật Bản, Paul Martin và Brian Mulroney đều là cựu Thủ tướng Canada, Gerhard Schrưder – cựu Thủ tướng Đức, Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani – cựu Thủ tướng Qatar.
Bên cạnh đó còn là các tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật như nữ diễn viên người Úc – Nicole Kidman, nam ca sĩ người Úc – Keith Urbank, nữ ca sĩ người Canada – Avril Lagvine, nữ ca sĩ người Colombia – Shakira, nam ca sĩ nhạc Rock người Ailen – Bono, nam ca sĩ nhạc Latin người Tây Ban Nha – Julio Iglesias, các nữ ca sĩ người Mỹ như Sheryl Crow, Madonna, các nam ca sĩ như Justin Timberlake, John Denver và đặc biệt là nhà sản xuất phim đang dính tới bê bối tình dục gần đây là Harvey Weinstein.
Trong giới thể thao thì có cựu cầu thủ bóng đá người Anh – Gary Lineker và tay đua công thức 1 Lewis – Hamilton…
Vụ rò rỉ này cũng bóc trần những thủ thuật lách thuế của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia, như Apple, Nike, Botox Allergan…, đồng thời phơi bày các khoản mua sắm của các công ty đa quốc gia ở châu Phi và châu Á đã sử dụng những công ty vỏ bọc ở Mauritius và Singapore để né thuế. Trong giới công nghệ có các tên tuổi lớn như Facebook, Amazon, Twitter, Uber và Yahoo của Mỹ, Siemens của Đức.
Trong lĩnh vực tài chính là ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ – Goldman Sachs, Ngân hàng Commonwealth của Úc, Ngân hàng Deutsche Bank của Đức, VTB Bank của Nga, Standard Bank của Nam Phi, công ty điều hành các dịch vụ tài chính Barclays của Anh; các doanh nghiệp lớn như Walmart, McDonalds của Mỹ, Gazprom của Nga…
Các tài liệu cũng giúp làm sáng tỏ những giao dịch bí mật và các công ty ẩn danh kết nối với Glencore – nhà kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới, cũng như cung cấp tài khoản chi tiết về các cuộc đàm phán của Glencore tại Cộng hòa Dân chủ Congo về các loại khoáng sản có giá trị.
Hồ sơ Paradise cung cấp chi tiết về cách thức các chủ sở hữu máy bay phản lực và du thuyền, bao gồm cả người trong hoàng gia và các ngôi sao thể thao đã sử dụng thiên đường thuế đảo Mann (Isle of Man) để trốn thuế. Đảo Mann là một hòn đảo nằm trên biển Ireland, ở giữa đảo Anh và đảo Ireland, đang áp thuế doanh nghiệp với thuế suất bằng 0%.
Mặc dù các “thiên đường thuế” được xem là hợp pháp, theo đó giúp giới nhà giàu và các tổ chức tránh xa các cơ quan thuế, các cơ quan quản lý và điều tra hình sự, tuy nhiên một số lỗ hổng đã được sử dụng bất hợp pháp để các cá nhân và tổ chức trốn thuế và che giấu những mối quan hệ mờ ám.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra