Warren Buffett: Mahatma Gandhi của chủ nghĩa tư bản
Warren Buffett là tấm gương mà những nhà đầu tư trên toàn thế giới mong muốn vươn tới. Ông được xem là “nhà hiền triết xứ Omaha”. Bên cạnh đó, một số người còn xem ông là “Mahatma Gandhi của chủ nghĩa tư bản”. Vậy điều gì đã khiến ông được ngợi ca như vậy?
Chúng tôi xin chia sẻ bài viết trên trang Entrepreneur của Vin Gupta, người sáng lập của Infofree.com và DatabaseUSA.com viết vào đêm trước khi cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway diễn ra, trong đó có nêu ra những lý do Warren Buffett (nhà tư bản và nhà từ thiện yêu thích của tác giả) được gọi là “Mahatma Gandhi của chủ nghĩa tư bản”.
Khi đi du lịch nước ngoài, tôi gặp rất nhiều người làm kinh doanh, bao gồm cả các giám đốc điều hành, tư vấn đầu tư, doanh nhân và tất cả những kiểu người khác nhau. Khi họ hỏi tôi sống ở đâu, tôi trả lời rằng là Omaha, Nebraska, thì họ luôn hỏi tôi có biết Warren Buffett không. Tôi nói với họ là có.
Ngay cả ở Việt Nam, một doanh nhân thành đạt cũng biết nhiều về Warren Buffett hơn tôi nghĩ. Một số người trong số họ gọi ông là “nhà hiền triết xứ Omaha”. Ngoài ra, tôi cũng nói với họ rằng tôi gọi ông ấy là “Mahatma Gandhi của chủ nghĩa tư bản”. Họ đã hỏi tôi vì sao lại so sánh như vậy?
Tôi không biết Mahatma Gandhi, nhưng tôi đã xem các bộ phim về ông và đã có rất nhiều nghiên cứu về con người và cuộc sống của ông. Ông xuất thân từ một gia đình làm kinh doanh, đã nhận được bằng luật ở Anh và sau đó hành nghề luật tại Nam Phi.
Sau khi công việc luật sư của ông thất bại ở Bombay, ông đã đến Nam Phi để làm luật sư cho một số doanh nhân Ấn Độ ở đây. Khi ông nhìn thấy những sự phân biệt đối xử đối với người Ấn Độ và người châu Phi ở Nam Phi, ông quyết định chọn sự nghiệp đem lại bình đẳng cho tất cả mọi người. Sau đó, ông trở lại Ấn Độ và lãnh đạo phong trào đấu tranh ôn hòa đằng sau phong trào đấu tranh giành tự do của Ấn Độ.
Khi Ấn Độ giành được độc lập từ tay đế quốc Anh vào năm 1947, Mahatma Gandhi đã có thể được nhận vào bất kỳ chức danh nào ông muốn. Ông có thể đã là Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ, Hoàng đế của Ấn Độ,… Tuy nhiên, ông đã không chọn là bất kỳ ai trong số đó. Khi Ấn Độ được tự do, ông đã sống một cuộc sống rất giản dị không biệt thự lớn hay cuộc sống xa hoa.
Mahatma Gandhi đã không chọn bất cứ điều gì ông cho là đạo đức giả mà thực hiện đúng những gì ông rao giảng. Trái ngược với một số nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi giành được độc lập cho đất nước đã lựa chọn những vị trí lãnh đạo cấp cao, sau đó tích lũy quyền lực và của cải. Với Mahatma Gandhi, ông đã không để quyền lực và sự giàu có chi phối niềm tin và nguyên tắc của mình. Ngay cả các con ông cũng không nhận được bất kỳ đặc quyền nào từ vị thế của người cha.
Quay trở lại với Warren Buffett, ông là người giàu thứ hai của nước Mỹ và giàu thứ ba thế giới, một nhà đầu tư vĩ đại và một doanh nhân vĩ đại chưa bao giờ hoang phí những thành quả vật chất mà ông đã đạt được. Ông dự định sẽ cho đi phần lớn khối tài sản đã tích lũy cả đời để làm từ thiện. Ông cũng không sở hữu một chuỗi các biệt thự và vẫn sống trong một ngôi nhà đã mua 40 năm. Thù lao mà ông nhận được mỗi năm chỉ 100.000 USD, thuộc hàng thấp nhất trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, cũng không ai có thể “buộc tội” ông đã sống một lối sống xa hoa.
Tại một hội nghị gần đây của NetJets nơi Warren Buffett có cổ phần, ông đã khiến nhiều người sốc khi tiết lộ rằng ông thậm chí không có một người quản gia (giúp việc). Vợ ông làm tất cả các việc nhà, từ dọn dẹp đến nấu nướng và rửa bát. Ông tin vào khả năng tạo ra sự giàu có, nhưng vào cuối ngày số tiền mà ông tạo ra, ông sẽ đưa trở lại vào các quỹ từ thiện.
Ông cũng biết rằng ông không thể vận hành một quỹ từ thiện vì đó không phải thế mạnh của ông. Vì vậy, ông quyết định dành tất cả tiền của mình vào quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation, vì ông tin rằng Bill Gates đã xây dựng được một tổ chức tuyệt vời có thể tiến hành công việc từ thiện trên khắp thế giới.
Warren Buffett cũng không để lại tài sản cho con cái của ông như nhiều người giàu khác đã làm. Ba người con của ông vẫn làm những công việc bình thường và không bao giờ có những scandal liên quan đến họ. Cả ba người họ cũng làm từ thiện như người cha.
Một đặc điểm chung khác giữa Mahatma Gandhi và Warren Buffett chính là niềm đam mê của họ với sách và việc viết lách. Cả hai đều là những cây bút sung mãn và với cách viết đơn giản mà ngay cả một học sinh lớp 6 cũng có thể hiểu được.
Thế giới này đầy những người giàu và những nhà lãnh đạo không thực hành những gì họ rao giảng. Thậm chí Al Gore (người chiến thắng giải Nobel) người đã nói về những tác động từ sự nóng lên toàn cầu vẫn sống trong một ngôi nhà lớn, bay bằng máy bay hạng sang và không làm theo những gì ông giảng.
Tuy nhiên, Warren Buffett không thích điều đó. Lối sống đơn giản, sự khôn ngoan và hỗ trợ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp tự do cũng như chủ nghĩa tư bản Mỹ làm khiến ông được xem là “con cưng” của nhiều người trên thế giới. Ông thường sử dụng vé máy bay của NetJets trong khi hoàn toàn có thể đi Southwest.
Nếu bạn gặp Warren Buffett, bạn sẽ không bao giờ có thể ngờ được ông là một tỷ phú. Sự hài hước và phong cách nói chuyện gần gũi của ông sẽ khiến bạn ngạc nhiên về một doanh nhân giàu có nhưng lại dễ mến đến vậy.
Warren Buffett cũng đặc biệt quan tâm đến những người trẻ tuổi. Khi tôi gọi cho Warren Buffett và nói với ông rằng một số sinh viên đến từ IIT Kharagpur, Ấn Độ muốn gặp ông, ông đã sẵn sàng dành thời gian gặp họ. Ông thậm chí đã cho những sinh viên nghèo đến từ Ấn Độ bốn giờ quý báu của mình.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông làm vậy bởi ông đã nhiều lần gặp gỡ sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới và cung cấp cho họ những bài học về sự khôn ngoan của mình. Đó cũng là điều làm nên sự khác biệt của ông với nhiều doanh nhân thành đạt khác.
Khi ông gặp con trai tôi, người đã nói với ông rằng đang nắm giữ hai cổ phiếu của Berkshire Hathaway, Warren Buffett đã nói rằng “với quyền sở hữu của tôi và của cháu, tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm soát Berkshire Hathaway”. Con trai tôi đã hoàn toàn sửng sốt bởi bình luận đó.
Warren Buffett luôn sẵn sàng để chụp ảnh với bất cứ ai dừng lại xin chữ kí hoặc hình ảnh của ông. Tôi nghĩ rằng ông chưa bao giờ nói không. Ông cũng luôn sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ những người khác. Đây là lý do tại sao tôi gọi ông là “Mahatma Gandhi của chủ nghĩa tư bản”. Ông đã tạo nên ảnh hưởng lớn trong các hoạt động từ thiện của ông tại nơi tôi sinh ra.
Tôi xem Warren Buffett là một tín hiệu hy vọng cho các doanh nghiệp miễn phí sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.
Nếu có một sự khác biệt giữa Warren Buffett và Mahatma Gandhi, đó chính là thói quen ăn uống của họ. Mahatma Gandhi là một người ăn chay và không ăn thịt bò, trong khi Warren Buffett lại rất thích món bít tết.
ĐINH THƠM / Theo Bizlive
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra