100 năm nữa khởi nghiệp Việt Nam cũng chẳng thể đuổi kịp thung lũng Silicon
“Hãy thử làm một phép so sánh: Apple, một trong những ông trùm ở thung lũng Silicon, có giá trị hơn 650 tỷ USD vời thời điểm này. Còn GDP của Việt Nam năm 2015 vừa qua chỉ vào khoảng 194 tỷ USD. Quá chênh lệch.”
- Việt Nam Quốc Gia Khởi nghiệp, cần thêm những gì? / Cơ hội nào cho Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp?
Với phòng trào startup đang nở rộ tại Việt Nam, nhiều người tích cực rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp và xa hơn có thể trở thành thung lũng Silicon tiếp theo.
Thế nhưng, theo quan điểm của Anh-Minh Do, một cây viết nổi bật trên trang tin công nghệ và khởi nghiệp châu Á là Tech In Asia lại cho ý kiến ngược lại.
Trong bài viết của mình trên trang vietcetera, anh nhận định: “Việt Nam sẽ không bao giờ có thể trở thành thung lũng Silicon của thế giới”.
Chúng tôi xin được lược dịch lại bài viết trên để độc giả có thể có cái nhìn rõ ràng nhất.
“Tôi từng được đọc một bài báo nước ngoài với tiêu đề “tại sao Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon tiếp theo”.
Không chỉ các trang báo nước ngoài, nhiều người tôi gặp cũng có những dự đoán tương tự, khi họ nghe tin về hàng loạt các startup Việt đã được đầu tư với những số tiền hàng triệu USD thời gian qua.
Với phong trào startup đang lên cao nhất trong nhiều năm, không khó hiểu khi nhiều người đặt đất nước này với một danh xưng mỹ miều ấy.
Tuy nhiên, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy có nhiều vấn đề cần bàn lại về bài báo và cũng như về danh xưng này, xem liệu thực sự chúng ta có xứng đáng hay không ?
Với tư cách là một người hiểu nhiều và viết nhiều về các startup ở Việt Nam, tôi cho rằng câu hỏi trên nếu được đặt ra ở đây thì thực sự là một thứ vô nghĩa, chứ chưa cần kể đến chuyện những lý giải trong bài báo này là đúng hay sai.
Dưới đây là những lý do vì sao tôi tin tưởng như vậy.
1. Trước hết, sẽ không có một nơi nào trên thế giới có thể trở thành thung lũng Silicon tiếp theo cả
“Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon tiếp theo”, tác giả là ông Vivienne, đã loay hoay tìm những dẫn chứng để chứng minh luận điểm trên trong bài báo.
Không chỉ Việt Nam, tôi nghĩ từ 2 đến 10 năm nữa, người ta cũng sẽ kháo nhau rằng New York, Berlin hay Bắc Kinh đã thực sự trở thành thung lũng Silicon tiếp theo của thế giới, dựa trên phong trào khởi nghiệp rộng khắp những nơi đây.
Tất cả những tiên đoán trên đã sai ngay từ tiên đề đầu tiên. Đó là cho rằng có một nơi nào đó có thể trở thành giống như thung lũng Silicon.
Đơn giản vì thung lũng Silicon là sự khác biệt mà các lò khởi nghiệp khác sẽ không bao giờ bắt kịp được.
Giống như trong cuốn sách The Secret to Building the Next Silicon Valley (Tạm dịch: Bí mật để tạo nên thung lũng Silicon tiếp theo) – một cuốn sách viết về các hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới – đã từng viết rằng thung lũng Silicon là độc nhất vô nhị, nơi đã được tạo nên nhuộm màu lịch sử và văn hóa riêng của người Mỹ.
Khởi đầu từ một khoản đầu tư của Chính phủ Mỹ để phát triển công nghệ điện tử vào bang California cánh đây hơn trăm năm, thung lũng Silicon dần dần đã trở thành trung tâm sáng tạo của toàn thế giới như ngày nay. Vậy thử hỏi, liệu có một lò khởi nghiệp nào trên thế giới có bề dày tồn tại như nơi đây ?
Giờ đây, với những nơi đang có trào lưu startup, câu hỏi “làm sao để trở thành thung lũng Silicon tiếp theo” có lẽ nên được thay bằng “Điều gì ở nơi đây mà chúng ta có thể học hỏi, sao chép hoặc ăn cắp về” hoặc “Đâu là lợi thế chúng ta nên áp dụng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn”.
So sánh với thung lũng Silicon, giống như bài báo trên đã so sánh Việt Nam với nơi đây, quả thực là một sự ngớ ngẩn và mất thời gian. Có chăng các lò khởi nghiệp khác trên thế giới nên nghĩ làm sao để mình tốt hơn trước đã.
2. Đã khó vươn tới, nay thung lũng Silicon lại còn đang tiến nhanh và tiến xa hơn bao giờ hết
Trong thời đại của công nghệ này, các lò khởi nghiệp trên thế giới như New York, London, Bắc Kinh, Singapore, hay thậm chí Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh.
Thế nhưng dù thế nào, thung lũng Silicon vẫn đang đi nhanh hơn tất thảy.
Thung lũng Silicon đang ở trong một thời kỳ tăng trưởng nhanh chưa từng có của mình, với các startup mới thì được mở ra quá nhiều, còn những “startup” đã lớn và rất lớn thì trở nên vững chắc và tiến nhanh hơn bao giờ hết.
Thậm chí, nơi đây sôi động đến nỗi các ông lớn đã tồn tại trước đó trên thị trường cũng phải đứng ngồi không yên.
Bởi lẽ họ ngồi yên sao được khi thị trường họ vốn nắm giữ bấy lâu đang bị đe dọa bởi những startup tuy nhỏ, nhưng lại đóng rất tốt vai trò của chàng David ngáng chân gã khổng lồ Goliath.
Một vài ví dụ như vào 5 năm trước, ngay tại thung lũng Silicon, khi mà không thể chiến thắng nổi một kẻ ngáng đường đã sao chép mô hình của mình, ông lớn trong ngành thương mại điện tử ở Mỹ là Groupon đã phải bỏ tiền ra để mua lại chính đối thủ.
Tương tự như vậy với người khổng lồ Google. Đã biết bao nhiêu lần người ta bàn đến chuyện hãng này sẽ mua lại ngôi sao mới nổi Dropbox do startup này đã thực hiện quá tốt việc phá bĩnh mảng Google Drive của Google
Như vậy, thung lũng Silicon là hàng đầu và thậm chí còn đang tiến nhanh nhất trong các lò khởi nghiệp trên thế giới. Cho đến khi thế giới khởi nghiệp ngoài kia chạy kịp tới thung lũng Silicon hiện tại, có lẽ nơi đây đã đi chạy hơn thế giới tới 20 vòng rồi (nguyên văn lời tác giả: twenty laps ahead).
Cuối cùng, khoảng cách từ khởi nghiệp Việt Nam đến khởi nghiệp ở thung lũng Silicon vẫn là quá xa, có lẽ phải tới 100 năm
Kể cả điều giả sử ở trên rằng không có một phong trào khởi nghiệp ở nơi nào có thể vươn đến thung lũng Silicon ở trên là sai thì có lẽ khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn cách trung tâm sáng tạo của thế giới một khoảng cách rất xa.
Tôi cho rằng thời gian cần thiết là 60 năm – bằng cả một đời người – để khởi nghiệp Việt Nam đạt đến như thung lũng Silicon.
Có thể với việc cụm từ startup đang trở nên phổ biến như hiện nay ở Việt Nam, nhiều người sẽ bất ngờ với con số lớn như vậy. Còn với tôi, con số đó vẫn còn là bé. Nó thực ra còn có thể lên đến 100 năm.
Bởi lẽ, hãy thực tế và nhìn vào thung lũng Silicon xem ở đó họ có gì ?
Đó là hàng tá công ty trị giá nhiều tỷ USD. Sản phẩm của một công ty công nghệ ở đó có thể quy tụ tới hàng tỷ người dùng.
Đây là nơi nơi tụ hợp của những kỹ sư, quản lý, nhà kinh doanh tài danh nhất.
Đây cũng là nơi tập hợp của tri thức với những trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford hay những vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất thế giới như Y Combinator.
Hãy thử làm một phép so sánh: Apple, một trong rất nhiều ông trùm lớn ở thung lũng Silicon, có giá trị hơn 650 tỷ USD vời thời điểm này. Còn GDP của Việt Nam năm 2015 vừa qua chỉ vào khoảng 194 tỷ USD. Quá chênh lệch.
Hơn nữa, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam cũng chưa được đánh giá thực sự cao.
Tuy phong trào khởi nghiệp Việt Nam nở rộ là vậy nhưng tại Đông Nam Á, nhiều nhà đầu tư vẫn mới chỉ nhìn vào Indonesia, Singapore và Malaysia như những lò khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp ở các nước khác vẫn còn quá nhỏ nhiều khiến ít nhà đầu tư lớn quan tâm.
Với riêng khởi nghiệp Việt Nam, một trong những lý do quan trọng nhất mà các nhà đầu tư đành lắc đầu khi định rót tiền chính là môi trường kinh doanh và thủ tục pháp lý ‘rắc rối’. Những điều này không hề hỗ trợ phong trào khởi nghiệp chút nào.
Từ những lập luận trên, rõ ràng bạn thấy câu chuyện cho rằng Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon mới của thế giới là hoang đường đến mức nào.”
Anh-Minh Do | Theo Cafebiz
Xem thêm: Để khởi nghiệp tại Việt Nam không phải là phong trào
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra