Cơ hội nào cho Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp?
Thời gian qua, truyền thông Việt Nam đang nói nhiều tới Quốc gia khởi nghiệp nhưng có hay không một cơ hội thực sự để biến Việt Nam trở thành một Quốc Gia Khởi Nghiệp thực sự như “Israel” hay “Singapore” trong tương lai? Chúng ta đang thiếu và yếu điều gì?
Khởi nghiệp được rót hàng triệu USD
Từ bỏ ngành học nhiều triển vọng tại một ngôi trường danh tiếng của Hàn Quốc, Nguyễn Hoàng Trung trở về Việt Nam khởi nghiệp bất chấp sự phản đối quyết liệt từ gia đình và bạn bè. Với ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, Trung bắt tay vào thực hiện dự án Lozi (Lozi = Lo gì) từ tháng 7/2012… Cuối năm 2015, start-up Việt này đón tin vui khi công ty cổ phần Lozi Việt Nam nhận khoản đầu tư lên đến 7 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan. Trước Lozi, nhiều công ty khởi nghiệp của Việt Nam từng được các tổ chức nước ngoài rót vốn, nhưng số tiền đầu tư thường dừng lại ở vài trăm nghìn USD.
“Phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản start-up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn, hỗ trợ cơ chế chính sách và tài chính để theo sát 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi).
Lê Ðắc Lâm, doanh nhân 8X với thương vụ rót vốn 3 triệu USD của một quỹ ngoại
Năm 2016, đình đám và được nhắc đến hơn cả là 2 thương vụ rót vốn triệu USD của một quỹ ngoại và một quỹ đầu tư trong nước cho hai start-up doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. Theo đó, ngày 11/7, start-up Việt chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn công bố hoàn thiện vòng gọi vốn đầu tiên với 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại. Ðồng sáng lập và điều hành Vntrip là Lê Ðắc Lâm – một CEO trẻ thuộc thế hệ 8X. John Wu là nhà đầu tư, đồng thời là trụ cột công nghệ của Alibaba trong gần 10 năm qua. Với vòng gọi vốn đầu tiên, doanh nghiệp được quỹ F&H của John Wu định giá gần 300 tỷ đồng. Ông Lê Ðắc Lâm, nhà sáng lập kiêm CEO start-up Việt xác nhận: “Khoản đầu tư xuất hiện trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư nước ngoài, và nhóm nhà đầu tư John Wu đã đồng ý sát cánh cùng chúng tôi”.
Còn vào 14/7, quỹ đầu tư vào các start-up Việt Nam của Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư lần đầu tiên của quỹ. Start-up được lựa chọn trong lần rót vốn này là CTCP Dịch vụ Thực phẩm sạch Hello Măm, một doanh nghiệp phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng. Tổng giá trị của Hello Măm được định giá là 4 triệu USD. Bà Lê Thị Lệ Hằng -CEO của SSIAM cho biết đây là khoản đầu tư đầu tiên của quỹ với mức rót vốn lên tới 4 triệu USD (hơn 80 tỷ) theo từng giai đoạn cần vốn.
Lý do để Quỹ quyết định rót vào Hello Măm, theo bà Hằng ngoài việc có định hướng rõ ràng và chiến lược đi riêng cho mình, Hello Măm được quản trị khá chuyên nghiệp với hệ thống KPIs (chỉ số đo lường về hiệu suất) đầy đủ để theo sát được các vấn đề bất thường và theo dõi/thống kê được nhu cầu khách hàng….
Vì sao những startup đó được chọn?
Ông Dương Minh Việt, Tổng giám đốc Hello Măm nhớ lại: việc tiếp xúc, đàm phán là một câu chuyện khá thú vị. Một số cán bộ nhân viên của SSIAM (Công ty quản lý Quỹ đầu tư SSI), trong đó có cả CEO, cũng chính là khách hàng của Hello Măm. Một ngày tôi nhận được email từ chị CEO Quỹ với nội dung rất ngắn gọn: “Hello Măm có cần đầu tư thêm để phát triển không?”. Sau đó đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp của SSIAM tới khảo sát Hello Măm, thăm trang trại và các nguồn cung ứng, trao đổi về tầm nhìn và kế hoạch kinh doanh trong 3 năm tới. Toàn bộ giao dịch chốt chỉ trong chưa đầy 1 tháng, đây có lẽ là một trong những “deal” đầu tư nhanh hiếm có tại Việt Nam từ trước đến nay.
Theo ông Việt, hai bên nhanh chóng tìm được điểm chung có lẽ vì Hello Măm có sự khác biệt đáng kể so với các start-up khác, ví như kết quả kinh doanh thuyết phục, doanh thu liên tục tăng trưởng… Ngoài ra, mô hình kinh doanh với triết lý kiểm soát thực phẩm một cách khép kín từ nông trại đến bàn ăn, phân phối tận nhà, về lý thuyết có tiềm năng tăng trưởng lên nhiều lần. “Việc này chúng tôi sẽ phải chứng minh bằng hiệu quả kinh doanh sau đầu tư”, ông Việt nhìn nhận.
Thành lập vào cuối năm 2014, Vntrip.vn thiết lập mạng lưới khách sạn trực tuyến rộng khắp Việt Nam thông qua cái bắt tay với Booking.com, hệ thống đặt phòng khách sạn lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn Priceline của Mỹ với giá trị vốn hóa hơn 65 tỷ USD. Với Vntrip, số tiền 3 triệu USD (hơn 60 tỷ VND) sẽ góp phần mở rộng dịch vụ cung cấp ôtô đón miễn phí từ sân bay về khách sạn cho tất cả khách hàng đặt phòng qua hệ thống trực tuyến của doanh nghiệp. “Việc huy động được vốn từ những nhà đầu tư như John Wu là động lực, đồng thời cũng là áp lực rất lớn khi làm sao sử dụng khoản tiền này một cách hiệu quả nhất nhằm phát triển công ty”, ông Lê Ðắc Lâm chia sẻ.
Các nhà khởi nghiệp đang thiếu đâu, yếu gì?
Nhưng chưa thể vội mừng khi cả năm trời qua, số star-up Việt dù được rót vốn khủng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy chúng ta thiếu điều gì để biến cơ hội “Quốc gia khởi nghiệp” tại Việt Nam trở thành hiện thực?
Tại hội thảo”Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia” tháng 3/2016, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhắc tới thực tế thiếu tính kết nối trong cộng đồng start-up Việt và căn bệnh “có nhiều người giỏi sơ sơ mỗi thứ một tí” của Việt Nam. “Phần lớn ở nước ta, những vấn đề có tính chất công nghệ không dồn sức đi sâu vào tận cùng mà chỉ đi rộng, khoán. Chúng ta thiếu những chuyên gia thật giỏi, những start-up thật sự giỏi”, ông nói.
Thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực tài chính và mong được Chính phủ hỗ trợ cũng là yếu tố được nhắc tới nhiều. Chủ tịch HÐQT FPT Trương Gia Bình nêu ví dụ của Singapore, nước lọt top 10 thế giới về cạnh tranh khởi nghiệp. “Ở đó quỹ đầu tư nhiều vô kể, ở Việt Nam lại quá giới hạn, chỉ bằng một phần mười. Cần cơ chế để tăng gấp 10 lần tinh thần khởi nghiệp quốc gia”, ông nói.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (Quỹ SSIAM là đơn vị thành viên), doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam cho ra đời Quỹ khởi nghiệp tư nhân thừa nhận phải sau 3 năm lập Quỹ, bên ông mới có được thương vụ đầu tiên. “Chọn được đối tượng giải ngân rất khó vì chúng tôi không làm bằng mọi giá mà phải căn cứ trên doanh nghiệp phát triển kinh doanh bền vững… Bên cạnh đó, dù các hồ sơ khởi nghiệp gửi đến rất nhiều nhưng đa số đều chỉ là ý tưởng kinh doanh nhỏ lẻ. Chưa kể với việc thiếu cơ chế, hành lang pháp lý, rất khó cho các Quỹ khởi nghiệp hoạt động”, ông Hưng nói.
Nói đến tài chính, ông Lê Xuân Hòa – Tổng thư ký Vinasa cho rằng cần có môi trường thuế, tài chính thuận lợi cho các start-up. “Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp công nghệ thông tin nhưng lại ra nước ngoài tiến hành. Nhiều nhóm chỉ 2-3 ngựời kiếm được hàng triệu USD nhưng lại ở nước ngoài. Chính phủ cần có hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp và cần có cơ chế với các doanh nghiệp đã dành ngân sách cho vườn ươm khởi nghiệp”, ông Hòa nói.
Thống kê mới đây cho thấy hiện có khoảng hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhưng mới chỉ dưới dạng văn phòng đại diện chứ chưa có sự hiện diện chắc chắn, chưa thành lập quỹ tại Việt Nam. Tại Hội thảo về khởi nghiệp do thành phố Hà Nội tổ chức, hầu hết đều nhìn nhận: Phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản start-up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn, hỗ trợ cơ chế chính sách và tài chính để theo sát 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi).
Khánh Huyền | Theo Tiền Phong
Xem thêm: Việt Nam Quốc Gia Khởi nghiệp, cần thêm những gì?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra