Jean Liu – “Nữ tướng” đánh bại Uber tại Trung Quốc
Khi nổi danh khắp thế giới, Uber muốn sử dụng “sức mạnh cơ bắp” để đè bẹp đối thủ khi tiến vào thị trường Trung Quốc nhưng gặp phải sự cản bước của Didi Chuxing – công ty chia sẻ phương tiện lớn nhất Trung Quốc được điều hành bởi một phụ nữ.
- Grab, Uber và taxi truyền thống: Lựa chọn nào rẻ nhất? / 3 bài học khởi nghiệp kinh doanh thành công từ Uber
Cuộc chiến không đội trời chung
Trong 2 năm qua Jean Liu và Travis Kalanick luôn coi nhau là những đối thủ không đội trời chung, giống cách mà hai công ty họ chèo lái đang đối đầu nhau ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Jean Liu điều hành Didi Chuxing, công ty hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện lớn nhất Trung Quốc còn Travis Kalanick là giám đốc điều hành Uber, công ty có trụ sở tại San Francisco, Mỹ.
Cuộc chiến giữa Didi Chuxing và Uber được đánh giá là vô cùng gay cấn và hết sức tốn kém. Ban đầu, Kalanick muốn sử dụng sức mạnh cơ bắp để đè bẹp các ứng dụng tương tự tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của Didi Chuxing khiến kế hoạch của Uber gặp trở ngại. Sự đối đầu của hai doanh nghiệp ngốn hết tới 1 tỷ USD/năm nhằm giành thị phần.
Không chỉ là cuộc chiến về kinh tế, màn đối đầu Didi Chuxing – Uber còn là cuộc chiến giữa một người phụ nữ “nhẹ nhàng”, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng đầy cương nghị của Trung Quốc với một người đàn ông mạnh mẽ, đại diện cho văn hóa nam tính ở Thung lũng Silicon.
Chân dung người phụ nữ cản bước Uber
Jean Liu sinh năm 1978, là con gái của Liu Chuanzhi – người sáng lập Lenovo. “Cha tôi luôn nói rằng ông sẽ ở bên tôi. Điều đó giúp tôi vượt qua khó khăn. Với sự khích lệ đó, bạn sẽ chẳng cảm thấy điều gì khó khăn”. Liu kể về động lực giúp đỡ cô trưởng thành trong lĩnh vực công nghệ, điều vốn rất khó với phần lớn phụ nữ Trung Quốc bởi những quan niệm cổ hủ về vai trò của người phụ nữ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh chuyên ngành khoa học máy tính, Liu tiếp tục học thạc sĩ tại Harvard. Sau 12 năm làm việc cho Goldman Sachs, chủ yếu tại trụ sở ở Hong Kong, Liu quyết định về đầu quân cho Didi và trở thành lãnh đạo cấp cao của công ty. Năm 2014, việc sử dụng chung phương tiện là điều mới mẻ ở Trung Quốc và Liu nhanh chóng nhìn ra tiềm năng của thị trường này.
Liu cười khi được hỏi về sự năng động. Ngồi trong văn phòng tại Bắc Kinh, Liu nói về những câu chữ sáo rỗng mà cô phải đấu tranh mỗi ngày về chuẩn mực của một người phụ nữ truyền thống. “Ở Trung Quốc, phụ nữ nên hành động nhẹ nhàng, nói chuyện nhỏ nhẹ. Đó là khuôn mẫu tồn tại trong văn hóa Trung Quốc từ thời cổ đại. Vì thế, nếu bạn nói quá to, người ta sẽ nhìn bạn với ánh mắt tiêu cực”, Liu nói.
Chiêu bài đốt tiền khiến Uber gục ngã
Tên tuổi của cô Liu nổi danh trong giới công nghệ Trung Quốc không phải vì cô cư xử nhẹ nhàng. Hồi tháng 8, Liu và Chủ tịch Didi Cheng Wei đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Uber khi họ phải bán bộ phận hoạt động ở Trung Quốc cho Didi để lấy 20% cổ phần. Uber là tay chơi có tiếng khắp toàn cầu nhưng Didi là kẻ ngoan cường và biết tận dụng tốt lợi thế sân nhà để giành chiến thắng sau cuộc chiến giành thị phần cam go.
Cùng với chiến thắng, Liu mang lại cho Didi rất nhiều tiền bạc và cả sự tự tin dù chưa đầy một năm trước đó, hồi tháng 9/2015, cuộc chiến giữa Didi và Uber vẫn đang ở đỉnh điểm khi cả hai đều dồn toàn lực nhằm đánh bại đối thủ.
“Chúng tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không đốt tiền. Đây chính là câu thần chú mà Didi đã dùng và đánh bại Uber trong trận chiến sử thi”, Liu nói về cách Didi đè bẹp Uber khi tiến vào Trung Quốc.
“Cuộc chiến với Uber…. Thật ra, tôi không muốn nói đây là cuộc chiến bởi thực chất nó không phải cuộc chiến. Chiến tranh chỉ xảy ra trong ngắn hạn nhưng khi chúng tôi nói về việc xây dựng một điều gì, đó là dài hạn”, Liu chia sẻ về sự hợp tác giữa Uber và Didi sau khi công ty Mỹ chấp nhận bán mình cho Didi.
Văn phòng của Liu nằm ở Zhongguancun, nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Đây là vùng ngoại ô phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, nơi những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đặt trụ sở. Zhongguancun có nhiều điểm giống với Thung lũng Silicon từ cách chia sẻ xe đạp tới các máy uống cà phê.
Thực tế, “bài kiểm tra” với Uber chỉ là màn khởi động cho những gì mà Liu và Didi đang hướng tới. Với định giá 35 tỷ USD, Didi đang ngày càng tiệm cận tới những gã khổng lồ của Trung Quốc như Tencent, Alibaba hay Baidu. Tuy nhiên, việc bước chân vào thị trường internet lớn nhất hành tinh là thách thức lớn với Didi.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc đang bỏ xa các nước khác trong việc kinh doanh trên internet. Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đã lớn hơn Mỹ trong khi ngành công nghiệp thanh toán qua internet chiếm 2/3 tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. Ngoài ra, số người sử dụng điện thoại ở Trung Quốc bằng 1/5 tổng số người sử dụng loại công cụ này trên khắp thế giới.
Hiện tại, Didi phải xử lý 20 triệu lượt đặt xe mỗi ngày. Dù con số có vẻ nhiều nhưng nó chẳng là gì so với khoảng 700 triệu lượt đi lại trên khắp Trung Quốc. Nó cho thấy tiềm năng rất lớn mà Didi có thể đạt được ở Trung Quốc nhưng rào cản lớn nhất chính là đột phá công nghệ.
“Cuộc chiến” với Uber kết thúc cho Liu và nhóm của cô thời gian để đối mặt với những thách thức đang nổi lên. Liu vừa trở về Trung Quốc từ Mỹ sau khi đi tuyển dụng các nhà khoa học về dữ liệu lớn.
“Đốt tiền để giành khách hàng nhưng đó mới chỉ là quãng đường từ không tới một. Để làm nốt từ một tới 100, bạn phải cần đến công nghệ như dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo”, Liu nhận định về thách thức của Didi.
Tuy nhiên, con đường của Liu cũng có những trắc trở. Năm 2015, cô bị phát hiện mắc ung thư vú và phải nhập viện chữa trị. Rất may, thể trạng của cô hiện đã phục hồi. Mục tiêu tiếp theo của Liu và Didi là vận động nhằm ngăn quy định cấm người không có giấy phép cư trú hoặc hộ khẩu được cấp bằng lái xe tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Phần lớn tài xế của Didi là người nhập cư.
Linh Anh | Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem thêm: Kinh doanh ở Trung Quốc: 5 bài học từ Uber
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra