Muốn khởi nghiệp, bạn trẻ hãy “không sợ”!
Ngày 30.11, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp VN phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu khởi nghiệp dành cho thanh niên sinh viên Đồng Nai.
- Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngay trên giảng đường / Sinh viên chính trị hỏi Thủ tướng cách khởi nghiệp
Đây là một trong những nội dung của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2016.
Tại đây, gần 1.000 sinh viên, thanh niên đã được giao lưu cùng với những chuyên gia khởi nghiệp, các doanh nhân như: ông Trần Minh Trí, Tổng Thư ký hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp phía Nam, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội XNK tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Đức Điềm, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Nai…
Có sinh viên thắc mắc: “Trong quá trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ có những nỗi sợ làm lấn át ý chí của mình, vậy làm sao để vượt qua được những nỗi sợ đó?”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Tâm Trí Sài Gòn và là Chủ tịch HĐTV Trường ĐH Y khoa Quốc Tế Sài Gòn, cho rằng thường có hai nỗi sợ, đó là sợ không có đủ khả năng, không có đủ tiền, sợ không đủ vốn, sợ không có khách hàng. Và sợ mất lòng người khác, không dám làm điều gì khác biệt, sợ bị chỉ trích, sợ bị cười khi lập một dự án kinh doanh khác biệt.
“Để vượt qua nỗi sợ ấy, chúng ta càng đơn giản hóa công việc kinh doanh chúng ta càng thành công, chúng ta nên nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ, ổn định tâm trí, ổn định niềm tin. Sợ cái gì thì phải nhìn thẳng vào nó. Và khi thất bại thì cần đúc rút kinh nghiệm, những bài học”, bác sĩ Tùng đúc kết.
Chuyên gia này cũng khuyên: “Hãy kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội”, theo đó phải lồng ghép ý tưởng làm người trong hoạt động kinh doanh để có thể kinh doanh bền vững. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng, thái độ cũng rất quan trọng trong cuộc đời của người khởi nghiệp. Xem công việc kinh doanh là phương tiện để thực hiện ước mơ của mình.
Nhiều sinh viên, thanh niên tiết lộ rất yêu thích khởi nghiệp, thế nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Ông Trần Minh Trí, Tổng Thư ký hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp phía Nam, hướng dẫn: “Khi bắt đầu, các bạn nên có trong tay một vài kế hoạch kinh doanh”.
Còn Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng thì khuyên: “Sáng tạo và khởi nghiệp khác nhau. Người sáng tạo có thể nghĩ ra rất nhiều ý tưởng nhưng đôi khi lại không khởi nghiệp được. Người khởi nghiệp thì có thể sử dụng những sáng tạo đó để khởi nghiệp. Khởi nghiệp là làm sao những ý tưởng của mình có thể phát triển, đem lại giá trị lại cho xã hội”.
Xuân Phương | Theo Thanh Niên
Xem thêm: 10 lý do khiến các khởi nghiệp trẻ gặp thất bại
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra