Startup: Các vòng huy động vốn thường gặp
Startup thường trải qua các vòng huy động vốn như hạt giống, series A, B, C…trong quá trình tìm kiếm nguồn đầu tư cho dự án của mình.
- Năm 2019, đỉnh điểm của “làn sóng” khởi nghiệp trong 5 năm qua
- Có ý tưởng hay ắt sẽ thành công, ảo tưởng khi khởi nghiệp
- Vì sao những startup tỷ USD được gọi là kỳ lân (unicorn)?
Khoảng cách giữa các vòng huy động vốn là 6-12 tháng. Quá trình huy động vốn trong từng vòng thường bao gồm các bước thu thập dữ liệu công ty, nghiên cứu nhà đầu tư, chuẩn bị và luyện tập cho phần trình bày, gặp gỡ nhà đầu tư và gọi vốn. Tiếp đến là xây dựng mối quan hệ, trình các bản đề nghị và kế hoạch cụ thể, vượt qua vòng thẩm định, kết thúc vòng gọi vốn với việc chuyển khoản và các thủ tục giấy tờ.
Thông thường, startup sẽ trải qua những vòng gọi vốn dưới đây:
Vòng tiền hạt giống
Đây là giai đoạn huy động vốn đầu tiên của một startup. Các quỹ và nhà đầu tư góp mặt ở giai đoạn này chủ yếu bắt đầu thử nghiệm thị trường và khám phá một lĩnh vực nào đó. Thông thường, đây là vòng gọi vốn từ người thân, bạn bè hoặc nhà đầu tư thiên thần.
Ở vòng này, các công ty có ít dữ liệu vững chắc cũng như chưa có nhiều tài chính. Mục tiêu cơ bản đa phần là bán ý tưởng và đầu tư vào cá nhân các nhà sáng lập.
Vòng hạt giống
Đây là vòng mà các startup rất cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh. Đứng sau các vòng gọi vốn này thường là nhà đầu tư thiên thần, quỹ cố định hoặc các vườn ươm, chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Số tiền đầu tư ở vòng này dao động 10.000-100.000 USD. Nguồn vốn sử dụng để nghiên cứu sâu hơn, thử nghiệm mức độ phù hợp của sản phẩm với thị trường, tuyển dụng các vị trí chủ chốt và phát triển sản phẩm.
Các nhà đầu tư ở vòng này thường chấp nhận rủi ro và thậm chí rất nhiều khoản đầu tư không thành công. Tuy nhiên, một nhóm đầu tư mạo hiểm được quản lý tốt hay bản danh mục các dự án từng đầu tư vẫn tạo ra nhiều lợi ích với các nhà đầu tư ở vòng này.
Vòng series A
Ở vòng này, các nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào những dữ liệu thực tế để xem xét những gì startup thực hiện với số tiền được đầu tư trước đó. Các nhà đầu tư có thể không quan tâm đến doanh thu, họ muốn biết những số liệu quan trọng nào đang được cải thiện và có thể xử lý về mặt tiềm năng để dự án có thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền có giá trị hay không.
Vốn ở vòng series A thường được dùng để tối ưu hóa những gì đã thực hiện nhằm phát triển mô hình trở thành một cái gì đó có thể nhanh chóng mở rộng sau này. Các nhà đầu tư trước đó cũng có thể tiếp tục tham gia dù lúc này startup sẽ bắt đầu yêu cầu sự hợp tác của các nhà đầu tư – những người có thể giúp đưa liên doanh lên một tầm cao mới.
Vòng series A thường là sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần. Nếu đã có mặt trước đó, nhà đầu tư sẽ xem xét nguồn vốn họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào và liệu lần đầu tư này có tốt cho nguồn quỹ của họ. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng này là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ hay các liên doanh.
Vòng series B
Ở vòng series B, startup tìm kiếm sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Số tiền trong giai đoạn này dùng để xây dựng công ty dựa trên những thành công hiện có, với việc mở rộng đội ngũ, không gian địa lý để khám phá các thị trường mới và nhìn chung là mở rộng về mặt quy mô.
Số tiền huy động được ở vòng này có thể lên đến hàng chục triệu USD. Các nhà đầu tư thường chọn lựa kỹ lưỡng để tạo bước nhảy vọt cho startup. Các quyết định mua lại có thể bắt đầu được đặt trong tầm ngắm tiềm năng với các nhà đầu tư.
Vòng series C trở lên
Nếu đi đến vòng này, startup thực sự đã bước đến thời điểm quan trọng. Công ty của bạn có thể đạt giá trị trên 100 triệu USD và có thể gọi đến 50 triệu USD hoặc thậm chí là 1 tỷ USD ở series C.
Từ thời điểm này, công ty có thể bước vào một cuộc chạy nước rút, gia tăng thị phần và vị trí trên thị trường. Cũng có khả năng lớn là công ty của bạn sẽ nhận được những lời đề nghị mua lại mang tính chiến lược. Việc này có thể đến từ chiêu mộ tài năng, loại bỏ cạnh tranh về người dùng và vị trí địa lý hoặc kết hợp nhiều công ty lại với nhau.
Lúc này, startup sẽ làm việc với các hãng đầu tư lớn nhất hoặc thậm chí là các nhà đầu tư của các tập đoàn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là vòng gọi vốn khó khăn nhất với các nhà sáng lập bởi nhà đầu tư sẽ đòi hỏi nhiều hơn và trông đợi một quy trình thẩm định tích cực hơn.
Trương Sanh (theo Forbes)
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra