Trung Quốc – thị trường nông, thủy sản khổng lồ cho Việt Nam
Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn, sản xuất nông, thủy sản đảm bảo nhu cầu, nhưng người dân đang chuyển dịch theo xu hướng từ ăn no sang ăn ngon, lại rất e ngại về chất lượng sản phẩm nội địa do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và không đảm bảo chất lượng, vì thế từ năm 2008 – 2017, nhu cầu nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm.
Nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc tăng bình quân 8,8%/năm.
Từ năm 2017, Trung Quốc nổi lên như là một thị trường có sức tiêu thụ đầy hấp dẫn đối với cá tra và là một trong những thị trường lớn giúp ngành thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, trong bối cảnh các thị trường khác như Mỹ, châu Âu liên tục sụt giảm vì đã dựng các hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, truyền thông xấu. Riêng năm 2017, thị trường Trung Quốc đã đem lại cho cá tra Việt Nam hơn 1 tỷ USD.
Ông Vĩ Tích Thành – Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, cá tra, cá basa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại đại lục vì người Trung Quốc thích ăn lẩu, mà cá tra, cá basa là loại nguyên liệu rất ngon để nhúng lẩu. Riêng tại 2 thành phố Tứ Xuyên và Trùng Khánh, cá tra, cá basa Việt Nam có sức tiêu thụ rất mạnh, vì đây là các tỉnh nằm sâu trong lục địa, riêng dân số đã hơn 100 triệu người nên nhu cầu về hải sản rất cao.
Theo ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về cá tra Việt Nam, bởi nhiều nhà hàng tại đại lục đã sử dụng cá tra như một nguyên liệu quan trọng phục vụ khách hàng với nhiều món ăn chế biến theo cách riêng. Điều này cho thấy giá trị dinh dưỡng, hương vị con cá tra Việt Nam phù hợp với khẩu vị người Trung Quốc. Hiện Hùng Vương đang bán sang Trung Quốc loại cá tra xẻ bướm với giá 53.000đ/kg. Ông Minh cũng cho rằng thị trường Trung Quốc mở ra triển vọng rất tốt cho việc kinh doanh của Hùng Vương vì dư địa tại đây còn rất lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 3 quý vừa qua, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 376,8 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Từ nay cho tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc được dự báo tăng trưởng ổn định.
Cá tra chỉ là một phần trong nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch lần lượt 1 tỷ USD, 1,5 tỷ USD. Cũng năm 2017, trong 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm 76% giá trị.
Ông Vĩ Tích Thành chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng hàng nông, thủy sản của Việt Nam rất lớn trong những năm vừa qua. Đặc biệt hàng nông, thủy sản việt Nam còn có lợi thế về đường vận chuyển do 2 nước có chung biên giới, người dân Trung Quốc đã biết rất rõ về nông, thủy sản Việt Nam, như thanh long, vải, gạo, điều nhân, cà phê, cá tra, cá basa…
Nếu sản xuất, kinh doanh tốt, nông, thủy sản Việt Nam không chỉ tăng giá trị mà còn mở rộng được nguồn hàng. Thị trường Trung Quốc rộng lớn vì là quốc gia đông dân nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục, hiện nay đã đạt 8.000 USD/năm, đặc biệt tầng lớp trung lưu tăng khá nhanh. Người dân Trung Quốc rất biết ăn, thích ăn và ăn khỏe, nên nhu cầu về nông, thủy sản ngày càng cao.
Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn, sản xuất nông, thủy sản đảm bảo nhu cầu, nhưng người dân đang chuyển dịch theo xu hướng từ ăn no sang ăn ngon, lại rất e ngại về chất lượng sản phẩm nội địa do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, và không đảm bảo chất lượng, vì thế từ năm 2008 – 2017, nhu cầu nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2017 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông thủy sản của đại lục đạt 200 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 7/2018, kim ngạch nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc đạt 80,5 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó 70% giá trị kim ngạch nhập khẩu nông, thủy sản đến từ Mỹ, Brazil, Đông Nam Á, EU, và Úc.
Thiên Thảo | Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Bài khác nên xem:
- Trung Quốc muốn thoát bẫy “công xưởng thế giới”
- Startup Trung Quốc cạnh tranh với thế giới bằng cách nào
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra