Đi tìm “Chén Thánh” trong marketing thời internet
Với sự phát triển vũ bão của internet và mức độ xâm nhập ngày càng sâu của internet vào đời sống con người, rõ ràng truyền thông mạng xã hội là một kênh truyền dẫn thông tin không thể bỏ qua!
Tuy nhiên, liệu truyền thông mạng xã hội có phải là chìa khóa vạn năng mở ra những chân trời mới đối với người làm marketing nói riêng và với doanh nghiệp nói chung?
Giải pháp hay phương tiện?
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2012, marketing guru Jack Trout, một trong những cây đại thụ của làng marketing thế giới phát biểu: “Đối với tôi, marketing là một công cụ còn đang trong quá trình thử nghiệm và hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ xem”. Đồng tác giả với Jack Trout, một marketing guru khác là Al Ries thì phát biểu trên tờ Advertising Age: “Truyền thông mạng xã hội chưa bao giờ và không bao giờ là giải pháp”.
Một trong những CEO kiêm marketer tài ba là Howard Schultz (trước khi trở thành CEO của Starbucks, Howard Schultz là CMO của thương hiệu này) phát biểu: “Tôi cho rằng truyền thông mạng xã hội là một trong những kênh thông tin cực kỳ quan trọng nhằm kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp”. Dĩ nhiên, Facebook Fanpage của Starbucks cũng là một trong những fanpage doanh nghiệp có nhiều người hâm mộ lớn nhất thế giới.
Kết hợp ý kiến của những cá nhân xuất sắc trên, ta có thể có được câu trả lời mang tính thực tiễn cao đối với truyền thông mạng xã hội:
Thứ nhất: Truyền thông mạng xã hội là một kênh truyền dẫn thông tin nhắm tới một tập hợp khách hàng nhất định. Kỳ vọng đó là một chiếc chìa khóa vạn năng là sự kỳ vọng quá mức, bởi đơn giản là cũng như những kênh truyền thông khác, truyền thông mạng xã hội cũng có những nhược điểm và khác biệt của riêng mình.
Nói cách khác, bạn phải xem xét sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình phù hợp với kênh truyền thông nào nhất và tập trung vào đó. Đó là lý do bạn sẽ hầu như không thấy điện thoại siêu sang Vertu, thời trang Gucci, Valentino quảng cáo vào giờ vàng của truyền hình, mà nó chỉ xuất hiện ở những tạp chí kinh doanh dành cho doanh nhân v.v…, bởi đó là kênh truyền dẫn thông tin chuẩn xác đến tập khách hàng mục tiêu của họ.
Thứ hai: Mạng xã hội là phương tiện chứ không phải là giải pháp. Mặc dù truyền thông mạng xã hội là một trong những kênh truyền dẫn thông tin có mức độ truyền tải lớn và nhanh chóng bậc nhất, nhưng xét cho cùng, nó vẫn là một phương tiện truyền thông.
Nói cách khác, truyền thông mạng xã hội như một chiếc siêu xe nhưng để đi đúng hướng, cần phải có bộ định hướng GPS đi kèm. Và bộ định hướng GPS của doanh nghiệp chính là một chiến lược đúng đắn. Cho dù đi trên siêu xe với tốc độ cao nhưng chệch hướng thì con người sẽ chẳng bao giờ đi được đến đúng mục tiêu mình mong muốn.
Thứ ba: Truyền thông mạng xã hội khác biệt đối với các kênh truyền thông khác. Điểm khác biệt lớn nhất đó là tính tương tác cao đối với khách hàng. Mức độ và tốc độ phản hồi trên kênh truyền thông mạng xã hội là rất nhanh và mạnh. PSY sẽ chẳng phải là hiện tượng nếu điệu nhảy ngựa Gangnam Style không có kênh truyền dẫn internet.
Ở một góc độ khác, cơn sốt trên internet không gắn liền với hành động mua hàng. Một trong những dịch vụ phát sinh trong thời gian gần đây gắn liền với truyền thông mạng xã hội là “dịch vụ mua like cho Facebook Fanpage”.
Nếu bạn thực sự muốn tăng doanh số và gắn kết thương hiệu của bạn với người tiêu dùng một cách bền vững, dịch vụ tăng like theo kiểu này sẽ không mang lại kết quả gì nhiều. Bởi việc bị sử dụng nhiều thủ thuật để “ấn like” tới hành động “mua hàng” là một khoảng cách rất xa…
Mỗi cuộc cách mạng truyền thông luôn gắn liền với những thương hiệu mạnh được xây dựng với một chiến lược đúng đắn, sử dụng các kênh truyền thông tương tác một cách hiệu quả để kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Chúng ta đang sống trong thời đại internet nhưng chiến lược marketing đúng đắn mới là cứu cánh chứ không phải là truyền thông mạng xã hội.
Khác biệt nằm ở đâu
Trong cuốn “Sapiens: Lược sử về loài người”, nhà nghiên cứu nhân chủng học người Israel Yuval Noah Harari bày tỏ quan điểm rằng, loài người có sự kết nối với nhau chính từ những câu chuyện có tính truyền cảm hứng, khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt tiềm ẩn bên trong con người. Những ý tưởng đó lan tỏa và kết nối mọi người với nhau thông qua những công cụ truyền thông.
Đó là điểm khác biệt của loài người.
Khỉ đầu chó, chó sói, và các loài động vật khác cũng biết cách vận hành như một nhóm, nhưng các nhóm của chúng lại bị giới hạn trong bầy đàn của mình. Loài người quy tụ những cá nhân đứng kề vai sát cánh khi họ cùng chung những ý tưởng như tự do, nhân quyền.
Triết gia người Pháp Rene Descates đã nói: “Con người chỉ như cây sậy nhưng đó là cây sậy có tư duy”. Dịch chuyển theo ngôn ngữ của marketing, “tư duy” đó có lẽ chính là “Big Idea” mà cây đại thụ trong ngành quảng cáo David Ogilvy đã đề cập. Cuối cùng, nhưng chiến dịch sử dụng những nền tảng thành công khác nhau một phần nhờ vào nền tảng truyền thông, nhưng lõi nhất vẫn nằm ở Big Idea.
Xin kết thúc bằng một câu nói từ một bộ phim mà người viết yêu thích: Kẻ đánh cắp giấc mơ (nguyên tác: Inception) của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan: “Điều gì tồn tại mạnh mẽ nhất? Vi khuẩn? Virus? Không, đó là ý tưởng!”…
Và, những ý tưởng lớn luôn tồn tại vĩnh cửu.
Tác giả bài viết là Sáng lập Pizza Home, Đồng sáng lập Tranh Mopi
(Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp,
do Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra