Trên thế giới có những vườn ươm startup lớn nào ?
Những vườn ươm startup là chính là cái nôi giúp sức đưa nhiều startup trở thành những thương hiệu được biết đến trên toàn cầu như: Airbnb, Grab, Uber…
- Có nên khởi nghiệp ở thị trường không cạnh tranh ?
- “Câu chuyện cổ tích” thành công sau một đêm khi khởi nghiệp?
- “Chậm mà chắc” – Lời khuyên dành cho các nhà khởi nghiệp
Techstars (Mỹ)
Bạn có biết vào thuở bình minh của Uber và Sendgrid, họ đã gặp ai không? Chính là Techstars, một mạng lưới toàn cầu cho phép các công ty khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình với giới thương nhân, qua đó giúp họ gặp mặt và trao đổi với nhau dễ dàng.
Techstars cũng nâng đỡ các startup tham gia vào mạng lưới của họ bằng cách mở quỹ Techstars Ventures nhằm đầu tư mạo hiểm vào các công ty có ý tưởng táo bạo. Uber đã được quỹ này hỗ trợ trong những ngày tháng đầu tiên khi mới bước chân ra thị trường.
Đã có mặt tại hơn 150 quốc gia, thu hút được 10.000 chuyên gia cố vấn và tổ chức hơn 4.000 buổi gặp mặt như thế. Techstars hợp tác với các công ty lớn như IBM, Amazon, BOSH hay Ford để tạo điều kiện tốt cho những cây non trong vườn ươm của mình.
Tính đến đầu năm 2019, Techstars đã chấp nhận đơn xin rót vốn của hơn 1.600 công ty với số tiền đầu tư tổng cộng lên đến 18,2 tỷ USD. Nhìn vào con số 1.600 cứ ngỡ là rất nhiều, nhưng thật ra nó chiếm chưa đến 1% trong tổng số các startup ứng đơn vào đây.
Được thành lập bởi David Cohen, Brad Feld, David Brown và Jared Polis vào năm 2006, Techstars ban đầu chỉ hỗ trợ khoảng 10.000 USD cho mỗi dự án và cử chuyên gia để đồng hành cùng họ trong thời gian 3 tháng. Nhưng giờ đây, họ đã hợp tác được với nhiều đối tác lớn, khiến những con số này dần tăng lên nhằm giúp ích nhiều hơn cho các startup.
Y Combinator (Mỹ)
Không chỉ là vườn ươm, Y Combinator còn được xem là “thuốc tăng trưởng” khi thúc đẩy tốc độ phát triển của các startup được họ hỗ trợ. Điểm qua một số cái tên nổi bật trong làng công nghệ như Dropbox, Airbnb, Reddit hay Webbly, điểm chung của chúng là đều được “đỡ đầu” bởi Y Combinator.
Được thành lập bởi Paul Graham vào năm 2005, Y Combinator đã đổ vốn 100 tỷ USD cho gần 2.000 công ty khởi nghiệp. Tọa lạc tại Thung lũng Silicon, vườn ươm chỉ được điều hành bởi 40 người nhưng nhận được khoảng 13.000 “cây non” mỗi năm và sẽ chọn ra khoảng 200 trong số này để “chăm sóc”.
Vì là một nhà vườn mát tay, Y Combinator đưa ra những tiêu chuẩn khó khăn để chọn ra các startup phù hợp và đầu tư vào. Việc chọn lựa đầu tư và đổ vốn được thực hiện thông qua một hội đồng là những doanh nhân khó tính nhất, được gọi là SAFE.
Các công ty khởi nghiệp sau khi được chọn để đầu tư, sẽ được bố trí văn phòng làm việc ngay tại Thung lũng Silicon màu mỡ trong vòng 3 tháng. Đội ngũ vận hành của các startup cũng được “tân trang” lại để giúp họ bắt tay ngay vào công việc một cách sớm nhất và suôn sẻ nhất.
Y Combinator thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt giữa startup và giới đầu tư, tạo cơ hội cho những công ty non trẻ được lão làng biết đến và hỗ trợ. Nếu không nhận được sự đầu tư nào, Y Combinator sẽ tiếp tục nuôi lớn cho các công ty này cho đến cơ hội tiếp theo.
Airbnb là sản phẩm khởi nghiệp thành công nhất được đỡ đầu bởi Y Combinator. Ý tưởng đặt phòng du lịch ở nhà dân đã giúp công ty này nâng giá trị của mình lên 30 tỷ USD, và tạo ra việc làm cho 4.000 người trên khắp thế giới.
500 Startups (Anh)
Lại là một ‘nhà làm vườn’ tài ba khác khi giúp cánh đồng của mình nở rộ, 500 Startups được sáng lập vào năm 2010 bởi Dave McClure và Christine Tsai. Điểm khác biệt của 500 Startups so với những vườn ươm khác, đó chính là họ hỗ trợ ở quy mô toàn cầu.
Chỉ trong 5 năm từ khi thành lập, 500 Startups thậm chí đã vượt xa con số trong tên gọi của mình để hỗ trợ 1.200 công ty khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, như Thung lũng Silicon, Mexico, Israel, Anh Quốc hay Na Uy. Ở Châu Á, Grab là một cái tên nổi bật từng nhận sự giúp đỡ của tổ chức này.
500 Startups tập trung phát triển các công ty nhỏ chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin và phục vụ nhu cầu khách hàng. Ở giai đoạn đầu, 500 Startups sẽ hỗ trợ vốn và sẵn sàng đổ thêm nhiều tiền để thúc đẩy sự phát triển nếu thấy tiềm năng, khi công ty đã lớn mạnh, họ sẽ giới thiệu các nhà đầu tư khủng để tiếp tục quá trình.
The Junction (Israel)
Đây là chương trình hỗ trợ startup trong thời gian 6 tháng được điều hành bởi Genesis Partners – một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Israel. Các công ty khởi nghiệp khi được đồng ý đầu tư, sẽ nhận 50.000 USD bảo trợ và đổi 5% cổ phần của mình.
Ngoài ra, các startup còn được không gian làm việc miễn phí ở tại thành phố Tel Aviv, kèm theo đó là đội ngũ chuyên nghiệp về UX/UI, máy chủ, thiết kế, bán hàng, chiến lược, kế toán, luật hay tài chính. Một số công ty đã ươm mầm thành công tại đây có thể kể đến là AppsFlyer, HoneyBook, Simplee, CyberX, and Air.
SCB (Singapore)
Là một trung tâm hỗ trợ startup được sinh ra tại đất nước nhỏ bé Singapore, nhưng SCB hay Startup Camp Boots có mạng liên kết rộng khắp giúp các startup trong nước vươn vòi ra quốc tế hay thậm chí là hỗ trợ những công ty khởi nghiệp ở nước ngoài.
Sau khi được chấp thuận đầu tư, startup sẽ nhận được 3 tháng hỗ trợ gồm các khóa đào tạo chuyên sâu, đối tác để hợp tác hoặc bán hàng, không gian làm việc tại trung tâm Singapore cùng cố vấn độc quyền giúp thúc đẩy tốc độ phát triển đến mức cao nhất.
Tính đến thời điểm này, SCB đã chăm sóc 727 startup trưởng thành, tạo ra 2.960 việc làm mà trong số đó có đến 30% phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo. Tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 500 triệu USD và trung bình 10.000 USD mỗi dự án.
Quang Niên – Khám phá
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra