Quản trị

Cần chuẩn bị gì khi để chọn nghề Digital Marketing?

Digital Marketing đã trở thành một xu hướng không thể thiếu, và ngày càng một quan trọng trong chiến lược quảng cáo của các công ty, tổ chức dù lớn hay nhỏ.

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Để Chọn Nghề Digital Marketing? 1

Ngay cả các ngành vồn từ xưa đến nay dựa nhiều vào các kênh quảng cáo truyền thống như FMCG, retail, luxury cũng đã bắt đầu có sự chuyển dịch dần sang sân chơi mới này. Sự chuyển dịch này không chỉ thể hiện thông qua việc kinh phí cho các kênh digital marketing sẽ được tăng cao hơn trong năm 2015 mà còn có thể thấy rõ ràng trên thị trường nhân sự. Xem một vòng trên các trang tuyển dụng nhân sự có thể thấy hàng trăm việc làm bên mảng digital marketing đang được đăng tuyển bởi rất nhiều công ty khác nhau.

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Để Chọn Nghề Digital Marketing? 2

Nhu cầu về tuyển dụng và việc làm liên quan đến Digital Marketing đang có xu hướng gia tăng

Không chỉ là về mặt nhân sự, ngay cả thị trường cũng có những chuyển đổi với sự xuất hiện của ngày càng nhiều công ty tham gia vào mảng digital marketing mà trong số đó có nhiều công ty trước đây là chuyện về quảng cáo truyền thống. Đa phần họ là các công ty chuyên về event, sự kiện, TVC, billboard quảng cáo, in ấn nhưng nay mở rộng ra cả các mảng về digital marketing. Điều này cũng dẫn đến sự chuyển dịch về nhân sự từ bên mảng marketing truyền thống sang mảng digital marketing trong khoản thời gian gần đây. Ngày càng có nhiều người vốn trước đây làm về mảng branding, event, execution muốn tìm hiểu thêm hoặc chuyển hẳn qua digital marketing vì họ cảm thấy được sự phát triển của mảng này và xem đó là cơ hội để mở rộng thêm kiến thức hoặc cơ hội nghề nghiệp mới.

Cho dù bạn là một trong số các marketers truyền thống hay bạn là người mới hoàn toàn đang muốn tìm hiểu và đi sâu hơn về mảng Digital này thì bạn nên biết là sẽ có những khó khăn gì và nên ứng phó thế nào để có thể làm tốt hơn. Dưới đây là một số câu hỏi mà tôi thường gặp nhất và lời khuyên của tôi cho các câu hỏi này, hi vọng sẽ hữu ích cho bạn mới bước chân vào mảng Digital Marketing.

Tôi không biết bắt đầu từ đâu?

Digital Marketing là một mảng rất rộng với rất nhiều kênh khác nhau. Đối với một người mới thì tôi khuyên là trước tiên bạn nên có một cái nhìn tổng quan về tất cả các kênh mà Digital hiện đang có và từng kênh đó là làm gì, mục đích là gì?. Sau khi đã có một kiến thức tổng quan, lúc này bạn có thể chọn một mảng để tập trung vào trước và sau đó dần dần mở rộng ra các mảng liên quan. Ví dụ bạn có thể bắt đầu với SEO, sau đó khi đã có kiến thức nền đủ thì tiếp tục tìm hiểu thêm về SEM, sau đó có thể bắt đầu qua đến Content Marketing sau đó qua Social Marketing, v.v…

Tôi nên tập trung một mảng hay biết tất cả?

Đương nhiên bạn có thể tập trung ở một kênh và trở thành chuyên gia trong kênh đó nếu bạn muốn nhưng không thể vì vậy mà bạn bỏ qua việc tìm hiểu các kênh khác, vì:

  • Biết thêm về các kênh khác sẽ giúp bạn làm tốt hơn cho kênh mà mình đang đảm nhận, ví dụ nếu bạn có hiểu biết về Content Marketing thì bạn có thể vận dụng kênh này để tạo nội dung tốt hơn và làm SEO tốt hơn.
  • Các công ty hiện đang cần những người có thể đảm trách cùng lúc nhiều việc ví dụ bạn thấy nhiều công việc đòi hỏi bạn phải biết cách chạy quảng cáo Adwords, Facebook và đồng thời lại phải biết cách tối ưu hóa website.
  • Integrated marketing (marketing tổng hợp) là xu hướng tất yếu, bạn làm tốt được kênh quảng cáo của mình là tốt nhưng bước tiếp theo là bạn cần làm sao để có thể kết hợp các kênh quảng cáo với nhau (ví dụ kết hợp SEO và SEM) để tạo ra hiệu quả tốt hơn.

Digital marketing có đòi hỏi nhiều về kỹ thuật?

Bạn không cần phải biết lập trình hoặc coding thì mới có thể làm được Digital Marketing (tuy nhiên, nếu biết thì đó là một lợi thế) nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ phải tìm hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về công nghệ và những thuật ngữ trong ngành. Nếu bạn không biết các CMS như WordPress, Magento, Joomla là gì, hoặc các thuật ngữ như ad network, display ads, paid search, cpm, cpc, cpa có ý nghĩa sao thì bạn biết là mình còn cần phải học nhiều đấy. Cái thời mà bạn có thể làm ngơ với công nghệ đã đến lúc kết thúc, hãy bắt đầu tiến trình xóa mù về công nghệ cho bản thân mình.

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Để Chọn Nghề Digital Marketing? 3

Digital marketing sao lại cần phân tích nhiều vậy?

Không giống như marketing truyền thống, Digital Marketing có những công cụ và cách thức để có thể đo lường một cách sát sao hơn các hoạt động của các kênh. Và chắc chắn một điều rằng một phần thời gian của bạn khi làm Digital Marketing là sẽ vùi đầu vào các con số và đưa ra các kết luận về mức độ hiệu quả của các chiến dịch chạy cho mỗi campaigns. Dựa trên các kết luận đó bạn sẽ phải tìm ra những cách để cải thiện và tối ưu hóa hiệu quả của quảng cáo. Và cũng như các kênh quảng cáo khác, khi bạn dùng tiền của công ty để quảng cáo thì bạn sẽ phải phải giải trình về tính hiệu quả và kết quả thu được từ các kênh này. Do đó hãy bắt đầu tập làm quen với việc phân tích và nhìn ngắm các con số.

Tôi có nên đăng ký học một khóa Digital Marketing?

Việc đi học hay không là quyết định của bạn và cá nhân tôi cũng chưa bao giờ học qua bất cứ khóa học nào nên không thể đưa ra nhận xét đánh giá về chất lượng hay giới thiệu bất cứ bên nào. Tuy nhiên tôi có một quan điểm thế này về việc học: tự học luôn luôn là thứ sẽ giúp bạn thành công. Tất cả các khóa học chỉ là đơn giản thu thập lại tất cả những gì vốn có sẵn (free) trên mạng và sắp xếp lại cho bạn. Nếu có khả năng tự học, bạn sẽ tự làm được những chuyện đó mà không tốn xu nào và vì tự học nên chắc chắn bạn sẽ nhớ lâu hơn và thấm hơn. Ngày nay với Google bạn có thể tìm thấy gần như mọi tài liệu và thông tin mà bạn cần về một vấn đề gì đó để đọc. Nếu đọc 1 bài mà vẫn chưa hiểu thì đọc thêm vài bài, vài chục bài nữa cho tới khi hiểu thì thôi. Còn nếu bạn cảm thấy không đủ kiên nhẫn để tìm kiếm hay đọc cho tới khi hiểu thì nói thật bạn có đi học các khóa học kia thì kết quả cũng vậy thôi.

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Để Chọn Nghề Digital Marketing? 4

Ngoài ra nếu tự học được thì ngoài kiến thức sách vở bạn còn có thể có thêm kiến thức thực hành. Tại sao? Ví dụ thay vì phải đóng vài triệu để học một khóa về quảng cáo trên Facebook thì bạn hãy dùng tiền đó và tự thiết lập quảng cáo Facebook chạy thử (chạy cho cái shop ở nhà của má, hay cái trang web của đứa bạn) và từ đó học được các kinh nghiệm thực tế cực kỳ hữu ích mà các khóa học khó cho bạn được.

Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân về việc học, không có nghĩa đi học là xấu. Chỉ là với Digital Marketing cũng như mọi thứ khác trong cuộc sống, nếu bạn có thể tự học được, bạn sẽ tiến xa.

Lời khuyên nào để tôi có thể làm tốt trong ngành Digital Marketing?

Trước tiên hãy đọc, đọc và đọc. Nếu bạn có thời gian mỗi ngày 2 – 3 tiếng để lướt Facebook và đọc các tin tức lá cải thì bạn nên dành một phần thời gian đó cho việc đọc. Hãy tạo cho mình một thói quen đọc khoảng 30 phút đến 1 tiếng hằng ngày và bao phủ mình bởi những thông tin đó. Hãy bắt đầu bookmark các trang web về chủ đề marketing, công nghệ, follow các group về Digital Marketing này hoặc các blog của những người nhiều kinh nghiệm trong ngành để đọc hằng ngày. Điều này sẽ giúp cho bạn luôn nắm được xu hướng của ngành, nắm được các thay đổi đang diễn ra và đồng thời mở rộng các hiểu biết của mình nhiều hơn.

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Để Chọn Nghề Digital Marketing? 5

Tiếp theo hãy đi tạo dựng mối quan hệ, gặp gỡ nhiều hơn những người đang làm chung ngành nghề. Ngoài những gì bạn có thể tự học, trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi từ chính những người đang làm trong ngành Digital Marketing là một cách rất tốt để giúp bạn theo kịp tình hình chung của thị trường và biết được những gì mới đang diễn ra.

Hãy luôn luôn tự mình tìm kiếm câu trả lời trước khi đặt câu hỏi. Nếu bạn thắc mắc về một vấn đề gì đó, hãy luôn tự tìm kiếm (trên Google) xem đã có những bài viết hay nội dung đề cập đến vấn đề đó chưa (99% là có) và hãy đọc nó trước. Nếu sau khi đọc xong mà vẫn chưa hiểu rõ vấn đề thì lúc này hãy đặt câu hỏi cho người khác.

Cuối cùng là hãy luôn sẵn sàng để học hỏi và tiếp nhận những thứ mới. Đừng cảm thấy nản khi đối diện với quá nhiều thứ không biết và đừng cảm thấy rối vì đơn giản ai lúc bắt đầu cũng vậy thôi. Hãy kiên nhẫn và học hỏi một cách đều đặn, hằng ngày và không ngừng nghỉ. Hãy luôn nghĩ rằng với bất cứ thứ gì bạn đang làm, bạn vẫn đều có thể học được những thứ mới và rút ra được những kinh nghiệm từ đó. Học hỏi không bao giờ có giới hạn.

 Bùi Quang Tinh Tú / Tống Viết Sơn Quang tổng hợp / Nguồn Brandsvietnam

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra

DMCA.com Protection Status
Back to top button

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ - STARTUP VIỆT NAM

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra