Vì sao IKEA bị mất quyền thương hiệu ở Indonesia?
IKEA mất quyền sử dụng tên riêng của họ tại Indonesia sau khi toà án tối cao của nước này ra phán quyết nhãn hiệu này thuộc sở hữu của một công ty địa phương.
- Thương hiệu – tài sản đáng giá ngàn vàng của doanh nghiệp / Xây dựng thương hiệu – chìa khóa mở cửa thành công / Điểm khác biệt giữa thương hiệu, bản quyền và bằng sáng chế
IKEA được biết đến là công ty nội thất lớn nhất thế giới với chiến lược bán hàng có một không hai. Tuy nhiên, công ty này bị huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Indonesia theo phán quyết mới được công bố hôm 4/2.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc công ty Luật Sở Hữu Trí Tuệ SB LAW cho rằng việc IKEA bị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Indonesia là một hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tiến ra thị trường quốc tế cũng như doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
“Khi mở rộng kinh doanh sang thị trường nước khác vốn ngoài lãnh thổ quen thuộc, việc được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là chưa đủ. Quan trọng hơn nữa là cần phải hiểu biết hệ thống pháp luật của nước mà mình định mở rộng kinh doanh một cách toàn diện thay vì phiến diện, cơ bản. Có như vậy, doanh nghiệp mới tránh được trường hợp những thành quả lâu năm bị hủy bỏ bởi những lý do hết sức đơn giản”, ông Duy Khương phân tích.
Tại Indonesia, theo The Guardian, công ty nội thất làm bằng mây tre đan địa phương hiện là chủ của thương hiệu Ikea tại Indonesia. Công ty PT Ratania Khatulistiwa đã đăng ký thương hiệu “Ikea” vào tháng 12/2013.
Theo Tòa án tối cao Indonesia, mặc dù nhà bán lẻ của Thuỵ Điển đã đăng ký nhãn hiệu này tại Indonesia từ năm 2010, nhưng họ không sử dụng nó trong 3 năm liên tiếp. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu “IKEA” của họ có thể bị hủy bỏ hiệu lực theo luật thương hiệu của Indonesia.
Cửa hàng duy nhất của IKEA tại Indonesia được mở tại tại thành phố Tangerang, gần thủ đô Jakarta, vào cuối năm 2014.
Ngay khi cửa hàng được mở, công ty của Indonesia đệ đơn kiện lên toà án quận tại thủ đô Jakarta vào giữa năm 2014. Toà án quyết định tên thương hiệu thuộc về Ratania và yêu cầu IKEA ngừng sử dụng tên của chính hãng này. Sau đó, công ty Thụy Điển đã kháng cáo lên toà án tối cao.
Phán quyết đã được toà đưa ra vào tháng 5 năm ngoái nhưng mới được công bố gần đây.
Một phát ngôn viên của toà án tối cao Indonesia cho biết, phán quyết này không dựa trên sự đồng thuận. Một trong 3 thẩm phán lập luận rằng luật thương hiệu không thể áp dụng đối với một công ty với quy mô lớn như IKEA, gấp nhiều lần so với nguyên đơn Ratania.
Luật sư Phạm Duy Khương phân tích, IKEA có nhiều cách để tránh bị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu: tiến hành nộp 01 đơn mới trước khi hết hạn 03 năm theo luật định để tiếp tục duy trì hiệu lực của Nhãn hiệu nếu như điều kiện chưa cho phép doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo luật định.
Ông Khương cho rằng, vụ việc truyền thông điệp để các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nơi cũng có những quy định tương tự như Indonesia (Việt Nam quy định thời gian 5 năm), mạnh dạn hơn trong việc buộc các tập đoàn quốc tế phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Thực tế tại Việt Nam, trường hợp hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn quốc tế là hiếm, và nếu có sẽ bị kéo dài thời gian do quyết định chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau.
Theo ông Khương, việc hủy bỏ như vậy cũng là một đòn bẩy buộc các doanh nghiệp quốc tế chủ động, nghiêm túc hơn trong việc bảo hộ nhãn hiệu của họ tại Việt Nam, qua đó giúp các hoạt động pháp lý liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam được thúc đẩy và lành mạnh hóa.
Kim Ngân – Anh Khoa / Theo Zing
Xem thêm:
- 7 xu hướng xây dựng thương hiệu trong năm 2016
- Để thành công dù thương hiệu không dẫn đầu
- Bài toán khó của các thương hiệu trăm năm
- 12 cách tạo sự thân thiện cho thương hiệu công ty
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra