Quản xe công nghệ sẽ triệt tiêu các mô hình startup
Đề xuất của Bộ GTVT quản xe công nghệ như taxi truyền thống sẽ triệt tiêu sớm sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, không tốt cho việc khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các công ty công nghệ, các mô hình khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Ðình Cung nhận định. Các chuyên gia cho rằng, đây là bước lùi từ 4.0 xuống còn 0.4 trong quản lý.
Một bước lùi lớn về tư duy quản lý thị trường
Về việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quản xe công nghệ Grab như taxi truyền thống và phải gắn tem mào, biển hiệu taxi, trao đổi với PV Tiền Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cách tiếp cận của Bộ Giao thông Vận tải đã thay đổi hoàn toàn so với cách đây ít tháng khi vẫn coi dịch vụ kết nối của các công ty công nghệ là một dịch vụ taxi. Với cách tiếp cận này, họ quay trở về áp dụng cách quản lý các công ty cung cấp dịch vụ kết nối như với cách quản lý taxi truyền thống hiện hành. Cách tiếp cận này là không đúng, nếu không muốn nói là sai lầm.
Theo ông Cung, cách tiếp cận đúng phải là coi Uber, Grab, Fastgo hay Go Việt…là một mô hình kinh doanh mới, biểu hiện của tiến bộ trong xã hội khi kinh doanh dựa trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0). Có tiếp cận như vậy mới khuyến khích các mô hình kinh doanh mới phát triển. Có cách tiếp cận mới thì mới mở đường cho cách quản lý mới được.
Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay trên thế giới, các mô hình kinh doanh mới sẽ không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực giao thông mà sẽ xuất hiện ở các hình thức khác. “Nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm chặn các lĩnh vực kinh doanh mới phát triển, hệ quả tất yếu là sẽ triệt tiêu những mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Các mô hình kinh doanh này không chỉ mới với Việt Nam mà với cả nhiều nước. Đây phải coi là cơ hội mới của chúng ta trong cách mạng 4.0 và phải đi tắt đón đầu, tiếp nhận và khuyến khích nó phát triển”, ông Cung nói.
Triệt tiêu sớm sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, theo ông Cung, sẽ không tốt cho việc khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các công ty công nghệ, các mô hình khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam. Khi các mô hình mới xuất hiện, sẽ có những vấn đề mới phát sinh đi kèm. Trong bối cảnh này, cần phải đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ cho người tiêu dùng, những người sử dụng dịch vụ cuối cùng của các công ty cung cấp dịch vụ kết nối.
Theo ông Cung, cần đưa ra các chính sách mới khuyến khích các hãng taxi truyền thống thay đổi. Theo đó, taxi truyền thống phải chuyển đổi thành kinh doanh số. Đây là xu thế của cách mạng 4.0 hiện nay. Khi đó sẽ phải tiếp cận, thừa nhận các mô hình kinh doanh mới, đồng thời phải thúc đẩy để chuyển đổi taxi truyền thống sang theo mô hình áp dụng công nghệ mới. Còn nếu không sẽ có tình trạng đi xe công nghệ nhưng sẽ phải mang theo giấy bút để ký hợp đồng giấy với đơn vị vận tải. Đây là điều nghịch lý.
“Cách tiếp cận kéo quản lý như với taxi truyền thống là hoàn toàn sai lầm. Người tiêu dùng không được hưởng lợi từ thành quả của công nghệ còn Việt Nam sẽ mất cơ hội phát triển kinh tế khi các mô hình kinh doanh mới không được tạo điều kiện phát triển. Như vậy sẽ không có các lứa doanh nghiệp Việt Nam mới biết túm lấy các cơ hội của 4.0 để phát triển. Đây là điều đáng tiếc. Không nên vì một nhóm lợi ích của taxi truyền thống mà hy sinh sự phát triển của cả nền kinh tế”, ông Cung nói.
Cần đặt lợi ích người dùng lên trên hết
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ. Hiện ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. “Có thể mình quản lỏng nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành Vinasun, Mai Linh, còn ông muốn dùng tổng đài hay phần mềm gì kệ ông, không quan tâm. Điều ngày hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4”, ông Đức nêu ý kiến. Luật sư Đức cũng cho rằng, dường như Bộ GTVT đang tắc trong tư duy xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86 trong khi đáng nhẽ cơ quan quản lý phải cởi trói các điều kiện cho taxi truyền thống để cạnh tranh với xe công nghệ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với sự xuất hiện của các công ty cung cấp dịch vụ kết nối, các hãng công nghệ, thị trường vận tải tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ nét. Theo ông Hiếu, trước đây, thị trường chủ yếu do các hãng taxi lớn nắm giữ thị phần và quyết định về giá. Các hãng taxi nhỏ khi đó cũng gặp khó khăn trong cạnh tranh với chính các doanh nghiệp taxi lớn. Việc các hãng công nghệ như Uber, Grab gia nhập thị trường vận tải đã buộc các hãng taxi truyền phải thay đổi để thích ứng với thời đại công nghệ. Người đi taxi là người được hưởng lợi lớn nhất từ việc này khi chất lượng dịch vụ thay đổi hẳn. Cách quản lý hiệu quả nhất là cởi trói các quy định để taxi truyền thống chuyển mình thực sự để thay đổi cách kinh doanh và người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi mới là cách quản lý tốt nhất.
PHẠM TUYÊN | THEO TIỀN PHONG
Bài khác nên xem:
- Startup công nghệ đã chinh phục khách hàng như thế nào khi không có tài khoản ngân hàng?
- Vì sao Vntrip.vn – Startup công nghệ lỗ trăm tỷ đồng vẫn được định giá nghìn tỷ?
- Câu chuyện khởi nghiệp của một CEO công nghệ không biết Internet là gì
- 8 bước từ ý tưởng đến công ty công nghệ thành công
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra