Doanh nghiệpKinh doanh

CEO Go-Viet chia sẻ với báo giới sau hai tháng vào thị trường gọi xe với Grab?

Theo CEO Go-Viet, ba yếu tố sống còn trong thị trường gọi xe và cuộc chiến “siêu ứng dụng” là tiền, công nghệ và am hiểu thị trường.

Ceo Go-Viet Chia Sẻ Với Báo Giới Sau Hai Tháng Vào Thị Trường Gọi Xe Với Grab?
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Go-Viet Nguyễn Vũ Đức

Chia sẻ với báo giới sau hơn 2 tháng chính thức “tham chiến” thị trường gọi xe hai bánh ở Việt Nam, CEO Go-Viet – Nguyễn Vũ Đức cho biết: “Dù chấm dứt khuyến mại ở TP HCM nhưng lượng người dùng của chúng tôi vẫn tăng. Thị trường Hà Nội tăng khá bền vững, thị phần đâu đó khoảng 30%”, ông Đức nói sau những hồ nghi rằng, đà tăng trưởng của Go-Viet sẽ chững lại hoặc thậm chí suy giảm khi hãng không còn khuyến mại “khủng” như đồng giá 5.000 đồng hay thậm chí là 1.000 đồng thời gian qua.

Trước đó,  ngày 12/9 tại Hà Nội, Go-Viet công bố thị phần gọi xe hai bánh đến thời điểm ấy tại TP HCM là 35%. Cùng với đó, đã có 25.000 tài xế tham gia và 1,5 triệu lượt tải ứng dụng. Tuy nhiên, ông Đức không chia sẻ về số liệu cập nhật mới nhất trong cuộc gặp hôm 23/10.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ bản dự thảo lần 6 của Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có nội dung quản lý xe hợp đồng điện tử. Giữa lúc chính sách chưa rõ ràng, số phận Go-Car phụ thuộc vào quyết định cuối cùng. Ông Đức nói, nếu chính sách được chốt thì có thể ra mắt cuối năm nay.

“Chắc chắn chúng tôi cũng không phải là hãng taxi”, vị CEO nói thêm trong lúc vụ kiện của Vinasun với Grab sắp tuyên án và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhiều lần lên tiếng phải xem Grab là hãng taxi.

“Chúng tôi là công ty công nghệ, là sàn thương mại điện tử kết nối giữa cung và cầu. Chúng tôi lạc quan về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, vì vẫn có quy định cho đơn vị kết nối trung gian như chúng tôi. Còn các đề xuất yêu cầu dán tem, gắn mào thì người thực hiện là các hợp tác xã, đơn vị sở hữu xe. Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định mới nếu ban hành”, ông Đức nói.

Dù trong lúc dịch vụ “gọi xe qua ứng dụng” hay theo văn bản hành chính là “thí điểm xe hợp đồng điện tử” vẫn đang ở cao trào tranh cãi, ông Đức vẫn tỏ ra lạc quan về xu thế phát triển tất yếu của việc ứng dụng công nghệ.

Điều ông quan tâm hơn là mảng gọi xe chỉ mới là một phần trong cuộc chiến giữa các ứng dụng. Và trong bối cảnh này, nắm bắt tâm lý người dùng rất quan trọng.

“Người dùng Việt Nam khá thích cái mới, cởi mở để thử điều mới. Đồng thời, họ cũng rất khó tính. Nếu chất lượng không ổn là phê bình rất gay gắt và khó bỏ qua, trong khi người Indonesia dễ bỏ qua hơn. Tuy nhiên, người Việt cũng lại  thích giới thiệu cho nhau cái mới”, ông Đức nhận xét.

Ceo Go-Viet Chia Sẻ Với Báo Giới Sau Hai Tháng Vào Thị Trường Gọi Xe Với Grab? 1

Sau dịch vụ gọi xe hai bánh và giao hàng, Go-Viet đang nhắm đến ba sản phẩm tiếp theo là gọi thức ăn (Go-Food), ví điện tử (Go-Pay) và gọi ôtô (Go-Car).

“Giao thức ăn và ví điện tử là hai mảng triển vọng mang lại lợi nhuận”, vị CEO bình luận. Hiện Go-Food đang thử nghiệm nội bộ và sẽ được sớm mở rộng vào tháng sau. Trong khi đó, ví điện tử được cân nhắc giữa các giải pháp thành lập công ty trung gian thanh toán, hợp tác chiến lược hoặc thậm chí mua lại một ví điện tử đang hoạt động.

“Thị trường Indonesia lớn hơn Việt Nam nhưng không cạnh tranh bằng. Ở mỗi mảng, thị trường Việt Nam đã có các tên tuổi lớn sẵn rồi”, ông Đức bình luận về thử thách sắp tới.

Khác với Go-Jek, với lợi thế sân nhà nên nhỉnh hơn Grab và Uber mảng gọi xe và gần như áp đảo mảng gọi thức ăn, Go-Viet ra đời khi các dịch vụ đều đang có người chi phối tại Việt Nam. Ở thị trường này, người dùng muốn gọi xe đã có Grab, gọi thức ăn có Now, thanh toán có MoMo, ZaloPay…

Với Grab, khi làm “siêu ứng dụng”, hãng đặt mình trong thế đối đầu với các “anh tài” trong từng mảng riêng biệt. Triển khai tương tự, Go-Viet cũng sẽ có các đối thủ như thế và thêm cả Grab.

“Thứ nhất là tiềm lực tài chính. Thứ hai, phải có công nghệ để tối ưu hóa vận hành. Thứ ba, then chốt là am hiểu thị trường, đam mê và tin tưởng. Ba yếu tố này cộng lại mới đủ sức cạnh tranh với các đối thủ. Uber bởi không hiểu biết thị trường nên rất khó. Uber ban đầu không muốn làm mảng gọi xe máy nhưng thấy Grab quá thành công nên ra mắt UberMoto”, ông Đức bình luận với kinh nghiệm từng tham gia triển khai Uber tại Việt Nam giai đoạn đầu.

Cả Go-Viet và Go-Jek đồng thuận rằng mối quan hệ hai bên là đối tác chiến lược. Ông Đức lý giải Go-Viet là công ty khởi nghiệp Việt Nam, nhận hỗ trợ vốn và công nghệ từ Go-Jek, chứ không phải công ty con.

Trước đó, lãnh đạo Go-Jek tuyên bố đổ 500 triệu USD vào 4 thị trường ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Còn CEO Go-Viet xác nhận, nền tảng công nghệ tiếp nhận từ Go-Jek giúp công ty rút ngắn thời gian lẫn tiền bạc để ra ứng dụng.

VỀ GO-VIET
GO-VIET tự hào là đối tác chiến lược của GO-JEK, cung cấp ứng dụng đa dịch vụ với các giải pháp kết nối vận chuyển đặt xe bốn bánh và hai bánh, gọi đồ ăn, giao hàng và nhiều dịch vụ khác nhằm phục vụ các nhu cầu thường nhật của người dùng Việt.
Với nền tảng công nghệ tiên tiến thế giới từ GO-JEK, GO-VIET mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dùng, tạo dựng nhiều giá trị hữu ích cho các đối tác và cộng đồng.

Viễn Thông | Theo Vnexpress

Bài khác nên xem:

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra

DMCA.com Protection Status
Back to top button

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ - STARTUP VIỆT NAM

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra