Khai thác “quyền lực mềm” từ… nhân viên
Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo được sự đoàn kết trong nội bộ và đưa công ty phát triển thành công nếu biết khai thác “quyền lực mềm” từ cấp dưới.
Lâu nay nhiều người cho rằng chỉ có “sếp” mới ảnh hưởng đến nhân viên, nhưng thực tế không chỉ có vậy. Chính những người đồng nghiệp mới là nhân tố tác động đến sự gắn kết trong tổ chức cũng như công việc của những người xung quanh.
Chia sẻ với các hội viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ngày 2/11, ông Đặng Phạm Thiên Duy – nghiên cứu sinh tiến sĩ và giảng viên tại Đại học RMIT (Melbourne, Úc) cho rằng, hiện nay, bên cạnh sơ đồ tổ chức với các chức danh được phân theo thứ bậc, trong các doanh nghiệp luôn có mạng lưới quan hệ (bạn bè, làm chung) và tương tác (chia sẻ thông tin) giữa các nhân viên.
Mạng lưới quan hệ này tạo ra những mối liên hệ vô hình nhưng rất mật thiết, có tầm ảnh hưởng, thậm chí được gọi là “quyền lực mềm” mà không nhất thiết họ phải có chức vụ trong tổ chức. Doanh nghiệp nếu xác định được những nhóm hay cá nhân chủ chốt này, có thể đem lại lợi ích đáng kể, đặc biệt là đóng góp vào sự thành công của các chương trình thay đổi hay phát triển nhân sự.
Nghiên cứu được ông Đặng Phạm Thiên Duy thực hiện tại Công ty TTT trong vấn đề bảo mật thông tin đã cho kết quả đáng quan tâm. Ông Thiên Duy cho biết, Công ty TTT có hơn 300 nhân viên, làm việc ở 3 trụ sở và chưa triển khai bảo mật thông tin trong quá khứ, chưa có nhận thức về bảo mật và có chăng thì cũng rất mơ hồ. Vì vậy, Công ty cần nâng cao tính bảo mật để ngăn chặn rủi ro như phát tán những thông tin không chính xác cho doanh nghiệp.
Thông thường, để thực hiện điều này, lãnh đạo công ty sẽ đứng ra tổ chức các lớp huấn luyện cho toàn bộ nhân viên. Thế nhưng do TTT có số lượng lao động tương đối nhiều nên các lớp học sẽ bị bão hòa, đó là chưa kể vì lớp đông nên học viên khó có thể nắm được các yêu cầu về bảo mật.
Đặc biệt, Công ty có 3 bộ phận là nhà máy, văn phòng và thiết kế nên phải thực hiện 3 chương trình đào tạo riêng. Với cách làm truyền thống, lãnh đạo TTT khó có thể biết được kết quả của việc truyền đạt về tầm quan trọng của bảo mật cũng như việc ứng dụng trong các bộ phận của Công ty.
Vì thế, TTT triển khai phần mềm để tìm những người có “quyền lực mềm”, những cá nhân có ảnh hưởng đến những người khác trong Công ty để phát tán nhận thức về bảo mật. Xác định được các nhóm hay cá nhân này và chỉ cần huấn luyện họ, để họ “lan tỏa” xuống các bộ phận khác trong Công ty.
Kết quả cho thấy ở TTT khi không có tác động nào thì khả năng hai người chia sẻ lời khuyên bảo mật với nhau chỉ là 3%, nhưng nếu họ làm chung trong một bộ phận hoặc phòng ban thì khả năng sẽ tăng lên 11%. Nhân viên cũng thường chia sẻ lời khuyên bảo mật với người cùng giới tính, nhân viên trẻ sẽ chia sẻ lời khuyên về bảo mật nhiều hơn.
Các nhân viên làm việc lâu năm, có chức vụ cao cũng chia sẻ nhiều hơn. Từ khảo sát này, lãnh đạo Công ty TTT đã tìm được những người có “quyền lực mềm” trong lĩnh vực bảo mật thông tin là những nhân viên trẻ, những nhân viên cùng làm chung trong một bộ phận và mỗi một bộ phận có một người dẫn đầu thay vì chỉ một người dẫn đầu.
Ông Lê Bá Thông – Tổng giám đốc Công ty TTT cho biết đã từng nghĩ trong Công ty có sự đoàn kết rất tốt giữa các nhân viên nhưng kết quả khảo sát từ phương pháp này lại cho kết quả khá thấp. “Lâu nay mình không đo được tình cảm giữa các nhân viên với nhau, nhưng nay đã có công cụ để đo lường. Nhờ công cụ này, Công ty đã đưa ra hoạt động để kết nối các bộ phận và cũng nhờ vậy, việc bảo mật thông tin được nâng cao”, ông Thông nói.
Nghiên cứu tại TTT cũng cho thấy, những nhân viên có suy nghĩ tích cực về bảo mật thường chia sẻ nhiều hơn. Nhân viên thường có xu hướng tìm lời khuyên từ những người mà họ hay tâm sự chuyện riêng tư, trong khi các trưởng bộ phận chưa phải là người tác động, ảnh hưởng đến những nhân viên khác.
Kết quả này cũng trùng với một nghiên cứu dựa trên 2 triệu đoạn “tweet” được đăng trên mạng xã hội Twitter liên quan đến công việc được trang web về dịch vụ việc làm Monster và Công ty Trí tuệ xã hội Brandwatch thực hiện 2 năm qua.
Khi người dùng nói về việc yêu hay ghét công việc của mình, họ thường nhắc đến từ “con người”. “Con người” ở đây không chỉ là cấp trên mà còn là đồng nghiệp cùng chung công ty, có tác động không nhỏ đến cuộc sống của “người láng giềng” ở nơi làm việc.
Trần Nguyên | Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem thêm: Nhân viên gắn bó công ty là do văn hóa doanh nghiệp?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra