Startup lẩn tránh sau khi nhận vốn vì khó khăn, buộc ‘cá mập’ phải ‘chạy’ theo để tư vấn
Là một thành viên trong “bể cá mập” của Shark Tank Việt Nam, ông Phạm Thanh Hưng nhận định sự tự tin quá mức của nhà sáng lập là một nguyên nhân khiến nhiều startup thất bại.
- Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam đào tạo kỹ năng cho startup gọi vốn
- Ra mắt Chương trình đào tạo cho doanh nhân khởi nghiệp
- Những startup triển vọng trong phát triển và ứng dụng công nghệ AI
Xuất hiện trong lễ công bố hợp tác chiến lược và ra mắt nhà đầu tư mới của chương trình Shark Tank Việt Nam hôm 28/8, ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch tập đoàn CEN – tham gia thảo luận những nguyên nhân khiến các startup thất bại.
Sản phẩm tốt không phải điều kiện tiên quyết để thành công
Ngay cả khi starup có sản phẩm hay dịch vụ tốt và nhận vốn đầu tư, ông Hưng nói họ vẫn có thể thất bại do các sai lầm trong quá trình vận hành, triển khai.
Lỗi lớn nhất trong hoạt động vận hành startup, theo ông Hưng, là sự tự tin quá mức của người sáng lập. Ông dùng hình ảnh người tập lái ô tô để minh họa sự tự tin của startup sau khi huy động vốn thành công.
“Sau khi có vốn, họ lao ra đường cao tốc ngay dù còn đang tập lái. Họ chi tiền rất nhanh và tin rằng doanh thu sẽ tới”, ông Hưng nói.
Chủ tịch CEN Invest kể rằng nhiều startup vẽ ra kế hoạch doanh thu, lợi nhuận rất hoành tráng, với tốc độ tăng gấp hàng chục lần trong tương lai dựa trên thói quen “đếm cua trong lỗ” của chính họ.
“Đôi khi nhà sáng lập startup tưởng tượng rằng một khách hàng mà họ mới gặp chắc chắn sẽ kí hợp đồng, dù hai bên chưa thương thuyết”, ông Hưng nói.
Nhà sáng lập trốn tránh nhà đầu tư khi kinh doanh khó khăn
Khi nhà đầu tư rót vốn, họ mặc định rằng họ sẽ trở thành người hướng dẫn và cố vấn cho startup. Vì thế, các nhà sáng lập nên tranh thủ khai thác lời khuyên của các nhà đầu tư, bởi đó là những lời khuyên rất giá trị.
Song trên thực tế, nhiều nhà đầu tư phải vượt qua vô vàn trở ngại để có cơ hội đưa ra lời khuyên cho các startup, bởi họ muốn giấu tình hình kinh doanh.
“Ban đầu họ thuyết trình rât hoành tráng, tỏ ra rất tự tin. Nhưng khi tình hình không diễn ra như kì vọng, họ lẩn tránh nhà đầu tư với hi vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong tương lai”, ông Hưng nói.
Sự trốn tránh của nhà sáng lập có thể khiến startup lún sâu hơn vào khủng hoảng. Ông Hưng khuyên rằng, ngay khi khó khăn xuất hiện, các nhà sáng lập nên chia sẻ tình hình với nhà đầu tư để hai bên cùng tìm giải pháp.
“Trong trường hợp cần thiết, họ phải dũng cảm dừng hoặc điều chỉnh dự án”, ông nhận định.
Đồng quan điểm với ông Hưng, nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định sai lầm lớn nhất của các nhà sáng lập startup là quá “cứng đầu”. Ông Nguyễn Hòa Bình, thành viên mới gia nhập “bể cá mập”, lại chỉ ra rằng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà xã hội không cần là sai lầm lớn nhất.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra